Đàn piano là một trong những loại nhạc cụ không phải ai muốn cũng có thể chơi được vì loại nhạc cụ này đòi hỏi người chơi đàn phải sử dụng nhiều kỹ năng cùng một lúc. Cùng một bản nhạc được phổ cho đàn piano, dù cũng chỉ với bao nhiêu nốt nhạc trên hai khóa Sol và Fa, nhưng có người thì chơi có hồn, giai điệu nghe trầm bổng, du dương, có người lại chơi giống như là một cái máy chơi nốt nhạc dù cả hai đều chơi đàn một cách đầy đủ và chính xác các nốt có trong bản nhạc, hoặc cũng có người chơi đàn thì nghe bản nhạc toát lên vẻ vui tươi, trong sáng nhưng cũng có người cũng chơi chính bản nhạc đó nhưng lại nghe bản nhạc có cảm giác buồn, hoặc có người chơi đàn thì âm thanh nghe chói tai nhưng có người khác chơi đàn thì lại nghe âm thanh thật nhẹ nhàng, êm dịu.
Từ những ví dụ ở trên, có thể rút ra kết luận rằng những người học chơi đàn piano thường gặp phải một số lỗi cơ bản và phổ biến mà vì những lỗi đó đã làm cho việc đệm hoặc độc tấu đàn piano không được hay. Sau đây là danh sách một số lỗi cơ bản và thường gặp nhất đối với người chơi đàn piano như bạn. Nếu khắc phục được các lỗi này trong suốt quá trình học, bạn chắc chắn sẽ đạt đến một trình độ lĩnh hội âm nhạc sâu sắc hơn rất nhiều.
- Chưa xác định được mục tiêu học chơi đàn piano để làm gì
Đàn piano với phần âm Bass và mẫu âm hình đệm ở bên tay trái và phần chơi giai điệu ở bên tay phải sẽ đảm nhiệm chức năng gần giống như chức năng của một ban nhạc. Vì thế, ai mà đã học chơi đàn piano thì cũng đòi hỏi phải dành thời gian khổ luyện, kiên nhẫn, chịu khó và quan trọng hơn hết là phải thật sự có lòng đam mê đối với cây đàn piano, thời gian học chơi đàn piano sẽ không phải được tính bằng tháng, bằng năm mà có thể là rất nhiều năm từ khi bạn còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Do đó, trước khi bắt đầu học chơi đàn piano, bạn nên xác định một cách rõ ràng là bạn muốn học chơi đàn piano cho mục đích gì. Nếu muốn học chơi đàn piano để tự đệm cho mình hát hoặc đệm cho bạn bè của bạn hát, bạn nên học chơi đàn keyboard thay vì đàn piano. Chỉ trong vòng ba đến sáu tháng học đàn keyboard là bạn có thể ngồi đệm hát rồi vì đàn keyboard hỗ trợ bạn gần như hoàn toàn phần chức năng của các mẫu âm hình đệm ở tay trái nên tay trái của bạn chỉ còn lo bấm cho đúng hợp âm, từ đó dẫn đến việc não của bạn sẽ tập trung cho việc xử lý các chức năng của tay phải ví dụ như lót câu, tô điểm, v.v… Đi xa hơn một tý, nếu học đàn piano để tự độc tấu hoặc đệm cho chính mình hay bạn bè, người thân của bạn hát các bản nhạc mà mọi người yêu thích, bạn chỉ cần học đàn piano theo phong cách nhạc nhẹ vì thời gian học sẽ nhanh, chỉ trong vòng ba đến sáu tháng là bạn đã có thể tự đệm hát cơ bản các tiết điệu phổ biến ví dụ như Slow Rock, Ballad, Boston, v.v… Học từ một đến hai năm thì trình độ của bạn đã lên đến mức trung cấp và bạn đã có thể độc tấu một vài bản nhạc đơn giản nào đó và nếu tiếp tục chịu khó luyện tập thường xuyên thì trình độ chơi đàn piano của bạn sẽ còn được nâng cao hơn nữa. Không dừng lại ở đó, nếu chỉ thích chơi những bản nhạc piano cổ điển không lời nổi tiếng, bạn nên theo học các lớp dạy đàn piano theo phong cách cổ điển. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng thời gian học chơi đàn piano theo phong cách cổ điển thường sẽ kéo dài nhiều năm vì chúng đòi hỏi các kỹ thuật đàn piano phức tạp và điêu luyện mà do đó những người học piano như bạn cần có thời gian luyện tập khá dài thì mới lĩnh hội một cách đầy đủ cũng như chơi thông thạo và điều đó rất dễ làm cho đa số người học cảm thấy mất phương hướng, nản, muốn bỏ ngang giữa chừng.
Tóm lại, bạn nên học tất cả các cách ở trên cũng như kết hợp chúng lại với nhau và tùy vào không gian, thời gian, bối cảnh, tình huống, yêu cầu, mục đích mà bạn sẽ chọn lựa việc chơi đàn piano theo phong cách nào mà bạn cho là phù hợp nhất đối với sở thích và khả năng của mình hoặc bạn sẽ chơi đàn piano theo phong cách này nhưng lại pha trộn âm hưởng của phong cách kia ví dụ như đưa âm hưởng của âm nhạc cổ điển vào các bản nhạc nhẹ đương đại chẳng hạn.
- Chưa định hình nên học chơi đàn piano theo hướng nào
Có nhiều người học chơi đàn piano đã vấp phải một sai lầm lớn đó là không định hướng được cho mình nên học cái gì ngay khi bắt đầu học chơi đàn piano, dẫn đến việc bị lang mang cái gì cũng muốn học, ví dụ như muốn học chơi đàn piano đệm hát nhưng cũng muốn học chơi đàn piano theo phong cách cổ điển cùng một lúc. Điều này thật sự là quyết định sai lầm cho những người mới bắt đầu làm quen với đàn piano vì mỗi phong cách cần có những hướng tiếp cận, cách dạy và học, giáo trình, và giảng viên khác nhau. Trong quá trình học tập, tất cả đều phải đi từng bước từ những kiến thức cơ bản về nhạc lý kết hợp song song với quá trình rèn luyện các kỹ thuật đàn piano dành cho đôi tay của bạn để làm sao cho chúng trở nên thuần thục và điêu luyện cùng với sự phát triển của tư duy âm nhạc theo thời gian. Tùy vào định hướng học chơi đàn piano ban đầu của mỗi người mà những kiến thức về nhạc lý, kỹ thuật chơi đàn piano, tư duy sẽ được các giáo viên điều chỉnh khác nhau sao cho phù hợp nhất đối với từng học viên để mỗi người đạt được mục tiêu mà họ đề ra từ ban đầu.
- Cần có sự định hướng của gia đình
Nếu là người đã có gia đình và có con thì một người phụ huynh như bạn có thể đã biết được lợi ích to lớn của việc học về âm nhạc nói chung và học chơi đàn piano nói riêng như thế nào thông qua các sách vở hoặc thông tin trên internet nhưng chưa chắc là các con của bạn lại tin tưởng vào điều đó. Một đứa trẻ, nếu cứ được cha mẹ cho chúng được tự quyết định mọi thứ theo ý riêng của chúng và không có bất kỳ sự định hướng, khuyến khích, động viên nào từ họ từ khi đứa trẻ còn bé thì đứa trẻ đó sẽ không thể nào thành công trên con đường tìm hiểu và khám phá âm nhạc của chính bản thân chúng.
Chúng ta thường nghe những câu chuyện về sự hối tiếc của nhiều bậc cha mẹ về việc họ đã không chịu quan tâm khi con cái của họ có niềm đam mê âm nhạc và vì thế vô hình trung đã làm mất đi cơ hội hưởng thụ âm nhạc của trẻ em. Đôi khi, có nhiều bậc cha mẹ vì không có cơ hội được học âm nhạc khi còn trẻ vì nhiều lý do khác nhau ví dụ như hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chiến tranh nên giờ đây không biết hoặc không thể quyết định được liệu rằng có nên cho con cái của họ học âm nhạc hay không trong khi thời gian thì không đợi chờ một ai và cơ hội cũng không bao giờ dừng lại. Trước khi bạn biết được lợi ích của việc học âm nhạc nói chung và học chơi đàn piano nói riêng thì con cái của bạn đã sắp đến tuổi trưởng thành và chắc chắn chúng đã quá bận rộn với việc học tập các môn học khác của chúng ở trường và sẽ khó để chúng tiếp tục hành trình tìm hiểu và cảm thụ loại nhạc cụ tuyệt vời này. Bạn cần có hành động quyết liệt đối với chính bạn và con cái của bạn ngay từ bây giờ để chắc chắn rằng trong tương lai bạn sẽ không phải hối tiếc gì về quyết định của bạn bây giờ.
- Tự ti với bản thân
Bạn biết không, có những nhạc công hay Youtuber khi tự chơi đàn piano một mình thì đều có khả năng lướt đôi bàn tay của họ trên những phím đàn đầy tự tin và thu hút. Họ đều là những người thật sự có tài năng, đáng để học hỏi nhưng khi đứng vào vị trí của một người mới học chơi đàn piano như bạn, bạn đi so sánh bản thân mình với những người đã dày dặn kinh nghiệm như vậy, để rồi cảm thấy tự ti với chính bản thân mình rồi sẽ chần chừ không dám chơi đàn piano và như vậy là chưa đúng.
Sở hữu năng khiếu thiên bẩm mà không phải ai cũng có chắc chắn sẽ giúp sự khởi đầu của bạn được suôn sẻ hơn so với người học chơi đàn piano bình thường. Tuy nhiên, đừng chỉ vì điều đó mà bạn lại nghĩ rằng ai học chơi đàn piano mà không có năng khiếu thì sẽ không có cơ hội để chinh phục được nó. Chẳng có ai thành công khi thiếu vắng đi sự cố gắng của bản thân nên nếu đã thật sự đam mê với tiếng đàn piano thì bạn nên gạt bỏ những suy nghĩ ngờ vực vào khả năng của chính mình và hãy tự tin mà trải nghiệm.
- Mau nản
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến cho khá nhiều người học chơi đàn piano như bạn nhanh chóng bỏ cuộc giữa chừng khi chỉ mới bắt đầu không được bao lâu. Trước khi học chơi đàn piano, nhiều người thường đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng vào nó, mong muốn bản thân họ nhanh chóng chơi được một bản nhạc ưa thích nào đó của họ một cách hoàn chỉnh. Đặt mục tiêu như vậy là tốt vì nó ít nhiều sẽ giúp bạn có thêm động lực để chinh phục những thử thách, nhưng nếu quá ép buộc bản thân về chuyện đó thì vô hình chung nó sẽ tạo nhiều áp lực cho bạn và dần dần bạn sẽ bị nản chí khi mọi việc không đi theo đúng như những dự định ban đầu của bạn.
Bạn hãy nhìn nhận lại khả năng tiếp thu các bài tập chơi đàn piano của bản thân mình và điều chỉnh lại lượng kiến thức âm nhạc mà bạn dung nạp một cách phù hợp nhất. Bạn đừng quá vội vàng khi đang học cách nắm bắt một loại nhạc cụ mới vì bạn biết không, bất kỳ ai muốn thành thạo chơi đàn piano đều phải trải qua một quá trình kiên trì rèn luyện và trau dồi trong nhiều năm liền. Vì thế, bạn đừng nên tạo ra quá nhiều áp lực cho bản thân mà hãy tự nhìn nhận sự tiến bộ của bạn qua từng ngày luyện tập. Từng nỗ lực nhỏ bé của bạn sẽ được tích lũy dần theo năm tháng để rồi một ngày nào đó nó sẽ trở thành một kết quả ngoài sự mong đợi của bạn.
- Chọn giáo trình học chơi đàn piano không phù hợp
Đàn piano đòi hỏi những người học piano như bạn ngoài việc phải dành thời gian luyện tập thường xuyên còn phải có năng khiếu. Nếu bạn đã đầu tư cho mình một cây đàn piano thật tốt từ ban đầu mà lại không có một giáo trình học cũng như một chương trình học phù hợp theo từng độ tuổi, cấp độ và mục đích học thì bạn sẽ dễ bị lệch hướng rồi dẫn đến việc bị chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.
Về phần này, xin giới thiệu với bạn quyển giáo trình nổi tiếng khắp thế giới Methode Rose. Methode Rose được xem là quyển sách giáo trình được nhiều giáo viên dạy nhạc khuyên dùng và rất phổ biến. Mathode Rose là một bộ sách gồm ba quyển. Cuốn một có tên gọi là Method Rose (Vỡ Lòng) gồm hai phần, phần một (Method Rose) giới thiệu về khoá Sol, luyện ngón, bài học về nhịp, khoá Fa, cách bấm các tổ hợp phím, v.v … phần hai (Czeny Op. 599) tiếp tục với các bài thực hành cho những người mới bắt đầu, v.v… Quyển hai (Essor) và Quyển 3 (Le Delicateur) là những kiến thức piano nâng cao. Bạn có thể tãi các tài liệu này miễn phí trên internet hoặc đặt mua chúng tại các nhà sách offline và trực tuyến.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi liệu rằng giáo trình luyện ngón của Hanon với 60 bài luyện kỹ thuật đàn piano có thật sự tốt hay không? Xin có lời khuyên dành cho bạn rằng mục đích chính của Giáo trình Hanon thật ra chỉ là giúp những người chơi đàn piano như bạn làm nóng, khởi động các ngón tay của mình trước khi bắt đầu tập chơi bản nhạc nhưng việc luyện tập tất cả 60 bài tập trong giáo trình đó lại đơn thuần chỉ thiên về kỹ thuật và không có vẻ gì là của một bản nhạc vì hai bàn tay của bạn phải chơi cùng một lúc và thường cách nhau một quãng tám và như thế chúng sẽ làm cho bạn cảm thấy vô vị, chán và mất thời gian mà đáng ra bạn có thể dành cho việc luyện tập các tác phẩm âm nhạc mà bạn yêu thích. Bạn có thể dùng phần lớn thời gian cho việc luyện tập Giáo trình Hanon để phát triển và hoàn thiện kỹ năng thể hiện bản nhạc của bạn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bản nhạc khác mà có thể giúp bạn làm nóng tốt hơn các bài tập của Giáo trình Hanon, ví dụ như các bài tập Etude, các bản nhạc của Bach, âm giai, hợp âm rải, v.v… Tất cả những bài tập đó sẽ chỉ cho bạn cách làm thế nào để bạn kiểm soát một cách độc lập từng tay và tất nhiên là phải có tính âm nhạc trong đó, khi bạn dành thời gian luyện tập chúng, bạn sẽ nghe được chất nhạc trong các bài tập đó và như vậy bạn sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi luyện tập.
- Học đốt cháy giai đoạn
Chơi đàn piano chưa bao giờ là một điều dễ dàng đối với bất kỳ ai, và vì thế bạn nên luôn tâm niệm rằng mình không thể nào chơi đàn piano giỏi với chỉ vỏn vẹn trong một vài ngày luyện tập ngắn ngủi. Bạn thậm chí phải mất cả nhiều năm luyện tập thì mới làm chủ và chơi một cách thành thạo loại nhạc cụ phức tạp này. Bạn cũng nên hiểu rằng học chơi đàn piano là một việc khó và tốn rất nhiều thời gian, công sức và kiên nhẫn của người học. Cho dù bạn có cảm thấy khả năng chơi đàn của bạn chưa thật sự có sự tiến bộ nhanh chóng như bạn mong muốn thì cũng đừng vì thế mà nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.
Những người mới bắt đầu học chơi đàn piano thường vấp phải một sai lầm chí mạng đó là muốn đốt cháy giai đoạn, học làm sao cho thật nhanh để họ có thể thi thố tài năng, sớm đạt được mục đích sau cùng đó là tự chơi được những bản nhạc mà mình yêu thích trong một khoảng thời gian ngắn nhất mà lại không chú tâm vào việc luyện tập những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc chơi đàn piano ví dụ như học lý thuyết âm nhạc, kỹ thuật luyện ngón, chạy gam, chơi các bài tập bổ trợ, tập các thủ pháp biểu diễn để tô điểm làm đẹp cho giai điệu, v.v…
Khi bắt đầu học chơi đàn piano, bạn luôn được giáo viên khuyên là phải kiên trì luyện tập các yếu tố cơ bản trước nhằm giúp bạn nâng cao kỹ thuật và độ mềm dẻo, linh hoạt của đôi tay, sự phản xạ tốt của cơ thể để rồi từ những nền tảng cơ bản đó bạn mới tiếp tục học chuyên sâu vào từng bản nhạc cụ thể. Tuy biết rằng quy trình học luôn phải là như vậy, nhưng có khá nhiều người học đàn piano lại không chịu kiên nhẫn luyện tập ngay từ đầu mà thường yêu cầu giáo viên phải dạy cho họ chơi ngay vào bản nhạc mà họ yêu thích để làm sao chỉ trong vòng một vài tháng là họ có thể tự chơi một bản nhạc nào đó mà họ yêu thích. Từ đó dẫn đến việc giáo viên của họ không còn cách nào khác là phải chiều lòng người học và đã dạy cho họ theo cách mì ăn liền, tức là họ muốn học cái gì thì giáo viên sẽ dạy cho họ cái đó và vì thế sẽ xảy ra tình huống là người học chịu bỏ thời gian luyện tập được bản nhạc nào thì họ chỉ biết chơi có bản nhạc đó, các kỹ thuật đàn piano sẽ không được họ chú trọng luyện tập dẫn đến việc họ diễn tấu không đạt yêu cầu của bản nhạc, chơi đàn piano không có hồn và hậu quả là họ sẽ dần dần nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.
- Tư thế ngồi bị sai
Tư thế ngồi khi chơi đàn piano cũng là một trong những yêu cầu cơ bản nhưng quan trọng nhất mà những người mới học chơi đàn piano như bạn cần biết vì nó có ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ quá trình chơi đàn piano của bạn sau này. Chính vì thế, khi mới bắt đầu học chơi đàn piano, bạn phải học cách ngồi sao cho chuẩn (tức là bạn sẽ không ngồi quá thấp hoặc quá cao, quá gần hoặc quá xa), bởi vì khi học chơi đàn piano từ lúc mới bắt đầu mà tư thế ngồi của bạn đã không đúng thì bạn sẽ nhanh chóng bị đau vai, đau lưng và sau này sẽ rất khó để bạn chỉnh lại tư thế ngồi của mình cho đúng. Việc ngồi sai tư thế như thế sẽ làm cho bạn không được thoải mái khi chơi đàn cũng như sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bạn về lâu về dài. Để khắc phục vấn đề này, bạn sẽ bắt đầu bằng việc đặt hai chân của bạn song song với mặt đất, ngồi ở vị trí thẳng lưng và thoải mái. Thậm chí, bạn sẽ tưởng tượng ra là bạn đang đặt một vật gì đó trên đầu của bạn. Tiếp theo đó, bạn hãy để hai cánh tay và hai khuỷu tay của bạn được thoải mái ở hai bên, sau đó bạn cố gắng giữ làm sao cho hai cánh tay của bạn được song song với đàn piano và như vậy thì bạn đã chạm vào phím đàn một cách thoải mái mà không cần nghiêng người về phía trước hoặc phải cố gắng nâng vai của mình lên.
Bên cạnh đó, bạn không nên ngồi quá gần đàn piano vì cánh tay của bạn không có đủ chỗ để mở rộng ra trước mặt và điều này sẽ dẫn đến tình huống là nó sẽ làm giới hạn phạm vi chuyển động của cánh tay, khiến cho cổ tay của bạn gặp khó khăn để chơi đúng các nốt nhạc. Cách khắc phục cho việc này đó là bạn sẽ ngồi trên cạnh của băng ghế đàn piano và di chuyển ra phía sau cho đến khi khuỷu tay của bạn được dài thêm một chút về phía trước từ vai của bạn.
- Chùng lưng, gồng vai và gồng tay khi chơi đàn
Không ai lại muốn chơi đàn piano để rồi phải mang tật ở đốt sống lưng hoặc ở vai suốt đời phải không? Vì vậy, bạn nên bỏ ngay tư thế ngồi chơi đàn piano sai lầm này! Tư thế đó sẽ khiến cho bạn tạo hình kém sang trọng và nếu để nó tiếp tục càng lâu, bạn có nguy cơ sẽ bị các bệnh về xương khớp, nhất là đối với trẻ em đang ở độ tuổi định hình vóc dáng và khung xương. Đặc biệt, lỗi gồng vai sẽ khiến cho bạn bị cứng đơ khi di chuyển tay để chơi đàn. Cách khắc phục cho lỗi này là bạn không nên ngồi chơi đàn piano quá lâu, cứ khoảng 40 đến 60 phút thì nên chủ động đứng lên thư giãn, đi lại để tránh bị mỏi lưng.
Bên cạnh đó, những người mới tập chơi đàn piano như bạn cũng thường bị căng thẳng khi luyện tập nên thường gồng tay, tạo áp lực quá lớn trong khi chơi các phím đàn và như vậy sẽ làm cho hai bàn tay của bạn bị cứng, các ngón tay không được linh hoạt và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc di chuyển các ngón tay của bạn trên phím đàn, đặc biệt của lỗi này là chúng sẽ cản trở bạn trong việc chơi các bản nhạc có tiết tấu và tiết nhịp nhanh. Người nào gặp phải lỗi này thường là họ đang ở trong tâm trạng căng thẳng nên cách khắc phục của lỗi này là nên thả lỏng cơ thể của mình trước khi chơi, để tinh thần được thoải mái giúp cho đôi tay lướt trên các phím đàn một cách mượt mà và mềm mại. Chơi với một đôi bàn tay lỏng lẻo sẽ giúp bạn chạm đến phím đàn một cách dễ dàng ngay cả ở những điểm khó khăn.
- Lực các ngón tay không đều
Khi bạn chơi các kỹ thuật piano ví dụ như chồng quãng ba, quãng sáu quãng tám hoặc khi bạn chơi các hợp âm 3, 4, 5 nốt trên đàn piano thì tối thiểu sẽ có từ hai nốt nhạc được ngón tay của bạn ấn xuống cùng một lúc. Tuy nhiên, nếu lực của các ngón tay của bạn không đồng đều, cân bằng, nó sẽ làm cho tiếng đàn của bạn nghe không được đầy đặn, mượt mà và du dương mà thay vào đó nó sẽ cho cảm giác như bị khô cứng, căng thẳng. Để khắc phục lỗi này, bạn nên dùng lực từ chính cơ thể của bạn truyền xuống đôi tay rồi từ đó đẩy lực chuyền xuống phím đàn thay vì dồn toàn bộ sức lực để ấn vào phím đàn và khi bạn làm được như thế thì tiếng đàn của bạn sẽ nghe có chiều sâu và không bị khô cứng. Bên cạnh đó, cũng còn một nguyên nhân khác mà cũng làm cho các ngón tay của bạn không được cân bằng đó là khi bạn nhúng các ngón tay của bạn theo tiết tấu khi bạn chơi quá phiêu với một giai điệu nào đó của bản nhạc. Cách khắc phục lỗi này là bạn không nên quá lắc lư thân mình, rung lắc người của mình nhiều sẽ làm cho vị trí các ngón tay của bạn không còn được giữ đúng tư thế và ổn định. Bạn không nên quá vội vàng khi bắt đầu, hãy chắc chắn rằng lực của các ngón tay của bạn là tương đương nhau thay vì chỉ dùng một ngón tay kéo nó từ phím này sang phím khác để rồi tất cả các nốt nhạc mà bạn gõ vào phím đàn đều có độ lớn của âm thanh như nhau.
- Đàn bị gãy ngón
Đây là lỗi thường gặp nhất khi học chơi đàn piano vì những người học đàn piano như bạn thường không dùng phần thịt của đầu ngón tay để bấm vào phím đàn mà lại dùng cả ngón tay trượt dài trên phím đàn. Lỗi này còn được gọi với một thuật ngữ khác đó là “gãy ngón”, nó khiến bạn cảm thấy khó c chơi kịp những bản nhạc có tiết tấu nhanh. Cách khắc phục lỗi này là lúc đặt tay của bạn lên phím đàn piano thì bạn sẽ luôn giữ làm sao cho các ngón tay của bạn được cong một cách tự nhiên. Bạn cần tập quan sát để từ đó hình thành nên thói quen này để không làm ảnh hưởng đến khả năng chơi đàn piano về sau của bạn.
- Gồng ngón tay
Một lỗi khác cũng thường xuyên gặp phải đối với những người mới học chơi đàn piano như bạn đó là luyện tập đàn piano trong tư thế gập ngón tay, tức là các ngón tay của bạn luôn giữ chặt và gồng lên khiến cho các thao tác vô cùng cứng ngắt thay vì lướt trên từng phím đàn như những người chơi đàn piano chuyên nghiệp. Đây là một trong những lỗi mà có rất nhiều người học piano như bạn mắc phải, đặc biệt là đối với những người mới lần đầu tiếp xúc với đàn piano và điều này vừa làm cho bạn bị mỏi tay và cũng vừa khiến cho bạn chơi đàn bị mất nốt khi phải chơi những đoạn nhạc dài, khó và điều này sẽ làm cho tiếng đàn của bạn phát ra nghe thô kệch. Cách khắc phục tình trạng này là bạn phải cố thả lỏng người của mình để phiêu theo từng phím đàn.
- Tỳ cổ tay xuống đàn, không sử dụng trọng lượng cánh tay
Tỳ cổ tay xuống đàn piano cũng được xem là một trong những lỗi cơ bản thường gặp đối với những người mới tập chơi đàn piano như bạn vì bạn thường có xu hướng tỳ luôn cả cổ tay xuống đàn thay vì phải giữ cổ tay của bạn một khoảng cao so với phím đàn. Việc tỳ cả cổ tay của bạn xuống đàn piano là một tư thế hoàn toàn sai vì nó làm lệch khớp tay của bạn. Lúc đó, tiếng đàn piano của bạn sẽ không được tròn trịa, có chiều sâu và rõ ràng. Nếu lòng bàn tay của bạn chạm vào hoặc ở gần mặt trước của đàn piano, cổ tay của bạn sẽ bị gập xuống. Các cổ tay quá thấp cũng gây ra căng thẳng và quá tải cho cánh tay và các ngón tay của bạn và sẽ nhanh chóng bị mỏi và làm giảm đi tốc độ mà bạn có thể chơi. Cách khắc phục lỗi này đó là cổ tay của bạn luôn phải được đặt cao hơn một ít so với mu bàn tay trong lúc chơi đàn hay nói theo cách khác đó là cổ tay của bạn nên mở rộng thẳng từ cánh tay và không bị gập xuống.
Bên cạnh đó, nhiều người học chơi đàn piano như bạn lại chơi đàn piano với những ngón tay được nằm phẳng hoặc bị sập xuống so với mặt của phím đàn. Điều đó có nghĩa rằng các ngón tay của họ bị kéo dài từ bàn tay đến phím đàn một cách phẳng song song trên mặt phím đàn và/hoặc khớp đầu tiên của các ngón tay của bạn đang để theo cách gập xuống. Nếu bạn tập chơi đàn với các ngón tay nằm phẳng và bị gập như vậy thì sẽ ít nhiều làm chậm đi kỹ thuật chạy ngón và gây căng thẳng cho bạn. Do đó, bạn hãy chơi đàn với các ngón tay ở vào vị trí cong tự nhiên như có thể.
Mặc dù các ngón tay của bạn kiểm soát các phím đàn, nhưng nếu bạn chỉ nhấn các phím đàn xuống bằng sức mạnh của các ngón tay thì sẽ không thể nào tạo ra được một giai điệu có chất lượng tốt. Việc kết hợp trọng lượng của cánh tay và trọng lượng của cơ thể một cách hiệu quả thông qua hai cánh tay sẽ cho phép bạn tạo ra một loạt các tiếng và giai điệu đẹp, đầy màu sắc, giúp làm giảm căng thẳng cho các ngón tay của bạn.
- Cách chạy ngón không hiệu quả
Một trong những cách học chơi một bản nhạc nào đó trên đàn piano được nhanh chóng và hiệu quả nhất là sự thiết lập cách chạy ngón làm sao cho phù hợp nhất đối với bản nhạc đó.
Nếu bạn có cách đặt ngón tay ngẫu nhiên và thay đổi mỗi lần khi luyện tập thường xuyên, bạn sẽ dễ bị khớp rồi từ đó sẽ chơi không được trôi chảy vì đôi khi bạn phải lo tìm các phím đàn sao cho phù hợp nhất và điều này dẫn đến việc bạn sẽ gặp khó khăn khi học chơi đàn piano. Nếu bạn biết ngón tay nào của mình đang chơi nốt nào và cố gắng sử dụng cách đặt ngón tay giống nhau như vậy mỗi khi tập chơi đàn, bạn sẽ biết cách chơi bản nhạc một cách ổn định và rõ ràng hơn và không phải mất nhiều thời gian loay hoay đi tìm các phím đàn phù hợp để chơi.
Bên cạnh đó, lúc mới tập những bài luyện ngón thì bạn thường sẽ cảm thấy nhàm chán vì các bài tập thang âm của đàn piano thường không có giai điệu. Tuy nhiên, càng luyện tập ở trình độ nâng cao, bạn sẽ cảm nhận được rằng những bài luyện tập ngón sẽ giúp tốc độ chơi nhạc của bạn được nhanh hơn, trí nhớ của bạn về cung, quãng sẽ tốt hơn rất nhiều, v.v…
- Bỏ qua việc học vị trí các ngón tay trên phím đàn
Đây là một trong những lỗi lớn nhất và thường gặp nhất của những người mới bắt đầu chơi đàn piano như bạn vì bạn luôn muốn học cách chơi đàn piano nhanh nhất có thể. Bạn cần học cách đặt vị trí các ngón tay của mình trên phím đàn sao cho đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế và đây là một trong những bài học rất quan trọng khi bạn mới bắt đầu tập chơi đàn piano. Tiếc thay, đây là điều mà hầu hết những người mới học chơi đàn piano thường bỏ qua hoặc chủ quan với lý do hết sức đơn giản là vì bạn cảm thấy việc phải gò bó vị trí các ngón tay theo đúng quy định như vậy sẽ không thật sự cần thiết hoặc nó sẽ làm cho bạn có cảm giác không được tự nhiên và giáo viên của bạn cũng không chịu cương quyết với bạn ngay từ đầu. Bạn thường chọn chơi đàn piano với cách dễ nhất theo ý riêng của bạn, rõ ràng là vị trí của các ngón tay sao cho đúng nhất đã không được sự quan tâm đúng mức của bạn.
Vấn đề ở đây là nếu bạn không được giáo viên hướng dẫn từ đầu, vị trí các ngón tay của bạn không được đặt ở vào một vị trí cố định nào hết. Thông thường, bạn sẽ không nhận ra việc này có ý nghĩa gì như thế nào đối với mình cho đến khi bạn phải chơi những bản nhạc khó hơn, có nhịp độ nhanh hơn, khi đó các ngón tay của bạn lại không thể linh hoạt theo được. Khi đã hình thành một thói quen xấu, nêu muốn tập lại vị trí các ngón tay sao cho đúng chuẩn quốc tế sẽ khó hơn nhiều vì các cơ ngón tay của bạn đã được luyện tập theo một cách cố định quen thuộc nào đó ngày từ ban đầu.
Cách duy nhất để bạn thay đổi lỗi này là phải bắt đầu luyện tập vị trí của các ngón tay của bạn lại từ đầu và phải làm tất cả các bước thực hành như trên thêm ít nhất một lần nữa. Có thể thoại đầu bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc thay đổi này nhưng khi đã luyện tập thường xuyên tạo thành mội thói quen tốt và theo quán tính thì bạn sẽ cảm thấy nó cũng khá dễ dàng và chẳng hề có trở ngại nào cả.
- Hai tay không phối hợp nhịp nhàng
Đàn piano chỉ đơn giản là bấm các phím đàn sao cho đúng để tạo ra âm thanh đúng nốt phải không? Câu trả lời là vừa đúng và vừa sai. Đúng là vì việc bạn phải đặt tay vào vị trí chính xác của các phím đàn là một điều hiển nhiên. Tuy vậy, phần lớn những người học chơi đàn piano chỉ quen với việc tập trung sử dụng một tay thuận của mình và cũng chính vì điều đó nên khi chơi đàn piano, với sự đòi hỏi sự kết hợp đồng thời của cả hai tay sẽ gây nên một chút hoang mang cho não bộ của bạn. Khi rơi vào trường hợp như vậy, bạn đừng nên vội vàng từ bỏ mà hãy bình tĩnh luyện tập ở tốc độ chậm để cả hai tay của bạn có điều kiện làm quen với trình tự của bản nhạc. Dần dần, thì hai tay đã hình thành được phản xạ tự nhiên thì nhờ nó mà bạn có thể tăng dần tốc độ lên cho đến khi đúng với tốc độ gốc của bản nhạc.
- Không tự tin biểu diễn
Có rất nhiều người chơi đàn piano như bạn có thể biến tấu một bản nhạc nào đó mà họ yêu thích theo phong cách riêng của mình nhưng lại không thể tự tin khi chơi đàn piano trước mặt bạn bè, người thân, hoặc ở nơi đông ngườivì chuyện đó làm cho họ cảm thấy bị áp lực và căng thẳng.
Thế nhưng, bạn có biết là việc chơi đàn piano trước mặt bạn bè, người thân, hoặc chỗ đông người là một trong những phương pháp tốt nhất giúp bạn chơi đàn piano một cách hiệu quả không? vì tiếng đàn của bạn khi phát ra sẽ được mọi người ở đó chú ý nghe, cảm nhận và góp ý và điều này sẽ ít nhiều giúp bạn luyện ngón tốt hơn mỗi ngày để phần trình bày bản nhạc của bạn sẽ được cải thiện đáng kể trong những lần sau. Vì vậy, bạn hãy chia sẻ phần trình bày bản nhạc yêu thích của mình với những người khác khi có dịp để giúp bạn thấy tự tin và thoải mái hơn khi chơi đàn piano ở bất cứ nơi nào.
- Chơi quá nhanh
Khi bạn học chơi đàn piano theo kiểu đốt cháy giai đoạn, bạn thường sẽ lướt qua mọi ô nhịp của bản nhạc quá nhanh. Việc chơi được một bản nhạc nhanh chóng trong một chừng mực nào đó giúp bạn có thêm hứng thú khi học, khi nhận thấy bản thân có sự tiến bộ rõ rệt và sẽ cảm thấy tự hào, hãnh diện đối với bản thân khi dạo phím đàn nhưng bạn đâu biết rằng âm thanh từ tiếng đàn piano của bạn phát ra nếu được ghi âm lại sẽ làm cho bạn bị thất vọng. Đó có thể do bạn chưa biết các phách mạnh, mạnh vừa của tiết nhịp nằm ở đâu để rồi nhấn nhá vào đó cho đúng, bạn chưa biết cách sử dụng một cách hiệu quả các kỹ thuật piano ví dụ như staccato, legato, non-legato, luyến láy để tạo sắc thái, thay đổi cường độ theo yêu cầu của bản nhạc hoặc có nhiều bản nhạc được tác giả có chủ ý viết để được chơi với tốc độ chậm rãi, và để đạt được âm thanh hay nhất thì chúng nên được chơi theo cách như vậy. Vì thế, bạn nên cố gắng kiềm chế cảm xúc của bản thân, hãy chủ động đạp chân để đếm nhịp hoặc sử dụng máy đếm nhịp (metronome) để giữ nhịp của bạn theo đúng nhịp điệu của bản nhạc. Nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng các tiết nhịp có trên đàn piano điện hoặc đàn keyboard để giúp điều hòa nhịp điệu của bản nhạc để bạn quen dần và giữ được nhịp độ của bản nhạc.
- Bỏ qua các bài tập khó
Có nhiều người học đàn piano nhằm mục đích giải trí, để thỏa mãn tính tò mò, bản năng chinh phục nên thường bỏ qua những bài tập etude kỹ thuật khó, khô khan. Những người học đàn piano như vậy có thể cho rằng khi học chơi đàn piano cho mục đích giải trí thì họ chỉ cần chơi được những bản nhạc đơn giản mà họ yêu thích là đủ. Còn đối với những bản nhạc khó, đòi hỏi sử dụng các kỹ thuật đàn piano điêu luyện, chúng chỉ nên dành cho những người chơi đàn piano chuyên nghiệp biểu diễn trên sân khấu.
Thế nhưng đã có bao giờ bạn tự cho phép bản thân vượt quá giới hạn của mình chưa? Đã bao giờ bạn dám thử thách một bản nhạc khó để rồi sẽ tận hưởng những giây phút tuyệt vời khi chinh phục nó không. Hãy luôn tin tưởng rằng bạn sẽ làm được những điều tưởng chừng như phi thường đó. Chỉ khi nào vượt qua giới hạn của bản thân mình thì bạn mới tìm thấy ý nghĩa thật sự của việc học chơi đàn piano và những lợi ích tinh thần từ việc học chơi đàn piano mang lại cho bạn. Vì vậy, bạn hãy cố gắng luyện tập thường xuyên, nâng dần độ khó của các bản nhạc để chinh phục niềm đam mê của mình.
- Chọn bài tập quá sức
Một trong những lỗi khá phổ biến khi bạn mới học chơi đàn piano là chọn cho mình một bản nhạc mà bạn yêu thích nhưng lại có kỹ thuật piano quá khó vào những ngày đầu mới làm quen với việc học đàn piano. Đây là lúc một người giáo viên giỏi sẽ có trách nhiệm tư vấn để chọn cho bạn một bản nhạc nào đó được cho là phù hợp nhất đối với khả năng của bạn tại thời điểm đó.
- Thời gian luyện tập mỗi lần quá lâu
Khi bắt đầu luyện tập một bản nhạc mới mà bạn yêu thích, những người học chơi đàn piano như bạn sẽ có xu hướng học rất nhiệt tình và cố gắng học làm sao cho được càng nhiều càng tốt trong cùng một buổi học, có khi đến ba hoặc bốn giờ. Có thể bạn suy nghĩ rằng nếu cố gắng luyện tập càng nhiều thì sẽ càng nhanh biết chơi nhưng bạn đâu biết rằng đó thật ra lại là một suy nghĩ sai lầm. Kinh nghiệm cho thấy đó không phải là cách hay vì sau khi kết thúc một buổi học chơi đàn piano với một khoảng thời gian dài như vậy, các ngón tay của bạn đã bị mỏi và ê ẩm, gián tiếp làm cho cơ thể của bạn bị mệt mỏi, đầu của bạn bị căng nặng. Trong giai đoạn đầu mới học chơi đàn piano, thời gian luyện tập hợp lý cho bạn chỉ nên vào khoảng 15 phút mỗi ngày. Thực tế cho thấy, các cơ ngón tay của bạn cần một khoảng thời gian hợp lý để chúng thích nghi với những vận động mới để rồi sau đó bạn mới tăng dần thời gian luyện tập nhưng cũng không được quá 30 phút cho mỗi lần tập. Khi nhận thấy bản thân đã có tiến bộ, bạn sẽ luyện tập lâu hơn nhưng cũng cần có thời gian nghỉ ngơi từ ba đến năm phút ngay trong thời gian tập đàn.
- Không có thói quen luyện tập thường xuyên
Những người học đàn piano như bạn sẽ không thể nào trở thành một người chơi đàn piano giỏi nếu không có thói quen luyện tập thường xuyên vì việc tập đàn piano hàng ngày từ 15 đến 20 phút như vậy sẽ giúp bạn tiến bộ hơn nhiều so với việc bạn dồn việc học vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều người học chơi đàn piano thường bắt đầu học với nhiều hoài bão, tham vọng, mục tiêu trong đầu và luôn cố gắng làm sao để luyện tập thật nhiều trong những buổi học chơi đàn piano đầu tiên. Tuy nhiên, sau vài tuần hồ hởi ban đầu đó, các buổi luyện tập của bạn sẽ dần dần trở nên thưa thớt với vô vàn những lý do khác nhau ví dụ như bận đi tiệc, nhà có việc, đi công tác, đàn cần lên dây, v.v… Rồi sẽ đến một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra rằng lần gần nhất bạn đụng vào cây đàn piano của mình là đã cách đây vài tuần thì đấy cũng là lúc bạn sắp phải chia tay với nhạc cụ này rồi.
Để giữ cho bản thân luôn có thói quen luyện tập chơi đàn piano thường xuyên, bạn nên tạo thói quen tập chơi đàn piano mỗi ngày tương tự như bạn phải đánh răng, xúc miệng vào mỗi buổi sáng và trước khi đi ngủ. Chỉ sau vài tuần luyện tập với cường độ như vậy, bạn sẽ tạo ra thói quen tốt cho bản thân và tất cả những việc đó sẽ không chiếm quá nhiều thời gian quý báo của bạn, bạn chỉ cần bỏ ra 15 phút mỗi ngày là đủ. Muốn có được một thói quen tốt như vậy, bạn không nên lặp đi lặp lại một đoạn nhạc trong một thời gian dài, không để cây đàn piano của bạn bị khuất ngoài tầm mắt, hay thậm chí là biến mất khỏi tâm trí của bạn. Vì nếu bạn càng ít có dịp nhìn thấy chúng trong căn phòng của bạn, bạn sẽ có xu hướng ít chịu khó ngồi xuống để tập chơi đàn piano. Do đó, bạn hãy cố gắng đặt cây đàn piano của mình ở nơi nào mà bạn dễ dàng nhìn thấy nhất, nơi thoáng mát và thoải mái nhất trong căn nhà của bạn và cũng cần chú ý rằng nếu hôm nào đầu óc tỉnh táo thì bạn sẽ tập chơi đàn piano nhiều hơn một chút, còn bữa nào bị mệt mỏi thì bạn sẽ giảm thời gian tập lại một ít.
- Lười luyện tập
Đây là một lỗi muôn thuở của những người học chơi đàn nói chung và những người học chơi đàn piano nói riêng. Vì bạn luôn xem chuyện học đàn piano của mình chỉ là giải trí, chứ không hề chú trọng và đưa nó vào danh sách những việc bạn cần làm hàng ngày. Bạn biết không, việc học chơi đàn piano chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi bạn thật sự có sự đam mê, xem việc học đàn piano như là việc “cần làm” quan trọng chứ không phải là việc “phải làm” vì nghĩa vụ, bạn cần chủ động trong việc luyện tập các bài tập hàng ngày.
Có khá nhiều bạn học chơi đàn piano theo cảm hứng, khi nào cảm thấy thoải mái thì đem bài ra luyện tập, còn khi nào chán thì lại đem nhạc lý ra học. Nếu ngày nào bận thì thôi, ngày nào rảnh thì đem bài ra luyện tập tiếp. Đây là một trong những hành động và suy nghĩ sai lầm khiến cho việc học chơi đàn piano của bạn bị kéo dài không có ngày kết thúc. Bạn biết không, để có được những kết quả tốt nhất trong việc học chơi đàn piano, bạn cần tạo cho mình một thói quen luyện tập chơi đàn piano thường xuyên và đều đặn mỗi ngày cũng như cần duy trì việc luyện tập hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm.
- Từ đầu đã không tập chơi đàn piano đúng cách
Có nhiều người chọn cách học chơi đàn piano qua Youtube trong một thời gian dài và cũng có nhiều lý do đã được họ đưa ra để giải thích cho việc học như thế. Đó có thể là do điều kiện khó khăn của bản thân mà người học không thể đến lớp hoặc thuê giáo viên về nhà dạy kèm. Tuy nhiên, Youtube chỉ phát huy hiệu quả khi bạn đã lĩnh hội một nền tảng kiến thức âm nhạc tương đối nào đó, còn đối với người chỉ mới bắt đầu học chơi đàn piano như bạn thì thường sẽ có rất nhiều lỗi dễ mắc phải khi tập chơi đàn piano, mà một khi bạn đã hình thành một thói quen nào đó thì sẽ rất khó sửa lại cho đúng. Mặt khác, tuy có nhiều Youtuber dạy piano theo bài nhưng đôi khi họ lại ít khi nhắc nhở những lỗi cơ bản cho bạn vì thời lượng quay Youtube của họ có hạn cho nên nếu muốn học theo cách đó thì bạn cũng sẽ không nhận biết được mình đang bị mắc lỗi gì để từ đó sẽ tự khắc phục khi tập chơi đàn piano.
- Không biết lỗi sai của mình ở đâu
Nếu một lớp học chơi đàn piano nào đó mà có quá nhiều học viên, giáo viên sẽ không thể kèm cặp cho từng người trong suốt quá trình dạy để từ đó sẽ quan sát hết những người học nên giáo viên sẽ không thể chỉ ra ngay tại chỗ các lỗi sai của từng người học trong quá trình học. Chính vì điều đó mà nó sẽ làm cho nhiều người mới học chơi đàn piano như bạn luôn giữ thói quen không tốt hoặc luôn bị mắc lỗi cho đến khi bạn biết chơi đàn piano và khi đã trở thành thói quen thì bạn sẽ cần rất nhiều thời gian để khắc phục nó.
- Không chịu cắt móng tay
Chơi đàn piano đòi hỏi những người học chơi đàn piano như bạn phải tốn khá nhiều thời gian và công sức để luyện tập làm sao cho phần thịt ở các đầu ngón tay sẽ chạm trọn vẹn xuống phím đàn. Vì thế, các ngón tay của bạn phải luôn được cắt ngắn trước khi chơi đàn. Tuy nhiên, không biết đó có phải là vô tình hoặc cố ý mà có khá nhiều người học chơi đàn piano lại không chịu cắt móng tay (có thể đó là những bạn nữ muốn giữ móng tay để làm đẹp hoặc những bạn nam biết chơi guitar cổ điển cần có móng tay để sử dụng các kỹ thuật móc, rải, tỉa) mà làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc luyện tập piano vì móng tay dài ít nhiều làm cản trở việc tiếp xúc của các đầu ngón tay vào phím đàn, tay bị trượt ngón lên phím bàn khi chơi đàn và do đó sẽ phần nào làm hạn chế cảm nhận của bạn khi các ngón tay tiếp xúc vào phím đàn, từ đó sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát lực nhấn của các ngón tay và dễ dẫn đến trường hợp móng tay của bạn bị gãy hoặc bật móng, đặc biệt khi bạn thực hiện các kỹ thuật piano khó ví dụ như glissando cũng như bạn sẽ gặp không ít khó khăn khi chơi những bản nhạc có tiết tấu nhanh mà đòi hỏi sự linh hoạt cao của bạn.
- Tập chơi đàn piano không khoa học
Khi bắt tay vào học bất kỳ thứ gì, những người học chơi đàn piano như bạn đều phải luyện tập để làm sao cho các thao tác được thành thục, điêu luyện để lĩnh hội được kiến thức nhanh chóng nhưng bạn cần lưu ý rằng bạn phải luyện tập đàn piano một cách khoa học. Theo đó, bạn phải có kế hoạch luyện tập cụ thể, nên tăng dần việc luyện tập theo thời gian, chia nhỏ các bài tập để xử lý. Bạn không nên dồn sức luyện tập quá nhiều trong một lần tập, hay bỏ lơ bài tập rồi lâu lâu rảnh rỗi mới chịu ngồi lướt qua một chút. Điều này ít nhiều làm cho việc học chơi đàn piano của bạn bị mất khá nhiều thời gian và ví thế sẽ khó thành công được.
- Tập chơi đàn piano không có kế hoạch
Nếu chỉ tập chơi đàn piano theo cảm hứng, tức là khi nào hứng thì tập, không hứng thì thôi thì những người học chơi đàn piano như bạn sẽ khó phát triển khả năng của mình. Điều đó sẽ là sai lầm vì việc luyện tập chơi đàn của bạn là một quá trình lâu dài và xuyên suốt và bạn cần biết về điều đó ngay trong những ngày học đầu tiên của mình. Để đạt được hiệu quả tốt nhất cho bản thân, bạn cần lên kế hoạch luyện tập hằng ngày cho mình và kiên trì thực hiện theo kế hoạch đề ra đó. Mỗi ngày, bạn nên dành từ 30 đến 60 phút dành cho việc luyện tập chơi đàn piano, thường thì nên vào những buổi sáng sớm khi bạn đã có một giấc ngủ dài trong đêm để tâm trí của bạn được thư giãn, các thông tin có liên quan đến bài tập trước đó đã ăn sâu và được ghi nhớ vào não bộ của bạn.
- Nôn nóng
Nhiều người học chơi đàn piano như bạn có mục đích đơn giản ban đầu chỉ là làm thế nào để đệm được một vài bản nhạc yêu thích của họ để kịp thời gian chơi đàn piano cho một sự kiện nào đó. Việc học tập gấp gáp như thế có thể tạm thời là khả thi, nhưng quan trọng ở đây là bạn phải biết tự lượng sức mình. Để chơi được một bản nhạc mà bạn mong muốn như vậy, có rất nhiều những mục tiêu nhỏ cần được bạn lên kế hoạch chi tiết và xây dựng dần dần. Sự thuần thục một kỹ thuật piano nào đó là kết quả của sự rèn luyện rất nhiều các kỹ thuật piano nhỏ khác. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ mục tiêu để dễ dàng động viên bản thân cố gắng hơn. Nếu cần luyện tập gấp một bản nhạc để kịp tặng bạn bè hoặc người thân nhân một dịp hoặc sự kiện quan trọng nào đó, bạn nên nhờ một người thông thạo chơi đàn piano hướng dẫn bạn cách soạn phần mẫu âm hình đệm đơn giản, hoặc đổi một bản nhạc nào khác nếu bạn cảm thấy mình khó thực hiện được các mẫu âm hình đệm cho bản nhạc đó.
- Thiếu kiến thức về nhạc lý
Hầu hết những người học chơi đàn piano như bạn đều đã được biết qua những kiến thức nhạc lý cơ bản khi còn học ở trường phổ thông. Thế nhưng, không phải ai cũng sẽ tiếp thu và ghi nhớ được hết tất cả các kiến thức âm nhạc đã học vào lúc đó. Đặc biệt là sau nhiều năm không tiếp xúc với nhạc lý, kho tàng kiến thức âm nhạc của một số người bỗng chốc lại quay trở về gần con số không.
Để có được một nền tảng vững vàng về đàn piano hoặc bất kỳ một loại nhạc cụ phổ biến nào khác, việc biết được các hợp âm là một điều hết sức cần thiết cho những người học siêng năng như bạn. Tuy vậy, đối với những người mới học chơi đàn piano, hãy bắt đầu bằng việc học những hợp âm cơ bản nhất có thể. Đừng ép buộc bản thân phải biết được hết tất cả các hợp âm trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, nên cho phép bản thân tận hưởng từng giây phút luyện tập với các hợp âm chính cơ bản trước. Trên thực tế, hợp âm không phải là quá khó như mọi người thường nghĩ, nhưng bạn phải tự trải nghiệm và tìm ra cách học, cách tiếp thu sao cho phù hợp nhất đối với mình.
- Bỏ bê học âm giai và phụ thuộc quá nhiều vào âm giai C trưởng và A thứ
Những người mới học chơi đàn piano như bạn thường cảm thấy rằng việc học âm giai thực sự là nhàm chán và thậm chí là vô nghĩa vì khi tập vào bản nhạc bạn sẽ thấy chúng ít khi được sử dụng. Tuy nhiên, bạn đâu biết rằng việc học âm giai lại là một trong những phần cơ bản và quan trọng nhất không thể bỏ qua khi học chơi đàn piano. Trong thực tế, bất kỳ ai muốn thành thạo chơi đàn piano đều phải học qua các âm giai rồi thực hành chúng để cải thiện sự khéo léo cũng như khả năng đọc và chơi các phím đàn khác nhau trong âm giai.
Bên cạnh đó, phím đàn đơn giản nhất để phát ra bản nhạc là ở âm giai Đô Trưởng hoặc La Thứ. Tuy nhiên, hầu hết các bản nhạc trên thế giới lại không phải chỉ có trong Đô Trưởng hoặc La Thứ. Bạn chắc hẳn cũng muốn học cách chuyển đổi các bản nhạc sang các phím khác để phù hợp với phạm vi âm cữ của bạn.
- Không chịu luyện tai nghe
Chơi đàn piano thuần thục không chỉ đơn giản là việc quen tay, quen chân mà còn là những nhận xét được rút ra khi nghe nhạc và điều này mới là điểm mấu chốt giúp bạn chơi đàn piano có hồn và cảm xúc hơn. Ngay cả khi có nhiều bản nhạc được đệm rất đơn giản (ví dụ như tay phải chỉ cần chơi vài ba nốt nhạc là đủ), nhưng khi âm thanh của chúng vang lên thì người nghe vẫn cảm thấy hay hơn rất nhiều so với khi họ nghe một bản nhạc phức tạp nào đó mà lại có quá nhiều sự gượng gạo (ví dụ như vì khi đó bạn phải cố gắng chạy ngón làm sao cho đủ hết các nốt có trong ô nhịp). Sự khác biệt ở đây là ở nhịp điệu, nơi ngừng nghỉ, cách nhấn nhá, v.v… của người chơi đàn piano, những điều mà bạn không để ý đến nếu không có đủ thời gian luyện ký âm. Tương tự, có nhiều bản nhạc dù vô cùng đơn giản nhưng lại được phối lại rất hoa mĩ, mà để đạt được đến trình độ phối tuyệt vời như vậy, bạn cần học cách lắng nghe trước đã rồi mới luyện tập cách bắt chước sau. Muốn nghe thì bạn sẽ thu bản nhạc mà bạn tự chơi để nghe lại hay để khách quan hơn, bạn sẽ nhờ bạn bè, giáo viên của bạn nghe qua và góp ý cho bạn.
- Học theo bài nhạc
Cũng có một số người học chơi đàn piano như bạn có xu hướng tìm tên của một bản nhạc nào đó mà họ yêu thích, sau đó tìm giáo viên dạy piano nhờ hướng dẫn, tập xong bản nhạc đó rồi tiếp tục chuyển sang một bản nhạc khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy cách học như thế sẽ không giúp bạn tiến bộ về lâu dài. Ví dụ, do tư thế bấm của tay trái hơi khó, nên có một số hợp âm màu trong bản nhạc sẽ được bạn tự đổi lại thành các hợp âm đơn giản cho có thế bấm dễ dàng hơn, hoặc bạn cũng có thể bỏ hẳn các hợp âm đó ra ngoài bản nhạc. Dù vậy, chưa hẳn khi gặp những bản nhạc tương tự, bạn cũng có thể áp dụng tương tự bằng việc thay thế các hợp âm như bạn đã làm với bản nhạc trước đó, hoặc sẽ tự động bỏ các hợp âm khó ra khỏi bản nhạc như trước. Vì thế, mỗi lần phải tập một bản nhạc mới nào đó, bạn gần như phải vật lộn từ đầu với những cái mới hoàn toàn. Trong khi đó, nếu nắm bắt quy luật đặt hợp âm từ cơ bản đến nâng cao, bạn sẽ hiểu được nguyên lý của âm nhạc và áp dụng theo đó để rồi kết quả là bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức cho việc tập chơi đàn piano của mình.
- Học theo kiểu cuốn chiếu
Khi học chơi đàn piano, mỗi người đều xác định cho mình những mục đích học tập riêng. Nhiều người học chơi đàn piano chỉ nhằm mục đích giải trí, có người học tập lâu dài vì yêu thích tiếng đàn piano, v.v… Vì vậy, mỗi người sẽ hình thành cho bản thân những phương pháp học chơi đàn piano khác nhau làm sao phù hợp nhất với mục đích của mỗi người.
Ngoài những phương pháp học chơi đàn piano truyền thống là đi từ cơ bản đến nâng cao, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành thì cũng có người lại chọn cho mình một phương pháp học chơi đàn piano theo kiểu cuốn chiếu. Theo đó, việc học chơi đàn piano sẽ chiếm ít thời gian của bạn hơn vì nó sẽ lướt nhanh qua từng phần của chương trình học. Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bạn đã có thể chơi được một bản nhạc nào đó mà bạn yêu thích. Tuy nhiên, phương pháp này lại vô tình gây ra những ảnh hưởng xấu về quá trình cảm âm của bạn. Bởi lẽ, khi tiếp xúc với cái gì đó quá nhanh, nó sẽ giúp bạn nhớ chúng một cách nhanh chóng nhưng cũng lại rất dễ mau quên. Vì vậy, khi học chơi đàn piano hoặc bất kỳ bộ môn âm nhạc nào khác, bạn nên học chúng một cách từ từ, không nên nóng vội, học quá nhanh để tránh việc bạn phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức âm nhạc vào đầu nhưng lại không có hiệu quả trong thực tế.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.