Khi nhìn vào các bản nhạc phổ cho đàn piano, bạn dễ dàng nhận thấy rằng các bản nhạc loại này luôn có hai khóa nhạc là khóa Sol (dành cho giai điệu bên tay phải) và khóa Fa (dành cho phần mẫu âm hình đệm bên tay trái) thay vì chỉ có một khóa Sol (chỉ dành cho giai điệu) thường được trình bày ở các bản nhạc trong các sách nhạc được bày bán ở các hiệu sách hoặc trên mạng nên các bản nhạc được viết cho đàn piano thường rất dài, từ 4 đến 5 trang giấy trở lên.
Với một khối lượng thông tin về kỹ thuật piano và giai điệu nhiều như thế trong một bản nhạc, nếu bạn chỉ tập trung vào phần kỹ thuật thị tấu nhằm đạt được kỹ năng phản xạ nhanh khi đọc và chơi bản nhạc để chơi được các tiết tấu nhanh và linh hoạt cũng như có độ chính xác cao thì vẫn chưa đủ vì bạn sẽ bị phụ thuộc vào bản nhạc, lúc nào cũng phải nhìn vào bản nhạc để chơi và vô hình trung nó tạo ra sự bất tiện cho bạn.
Ví dụ:
- Nếu bản nhạc có nhiều trang, khi bạn đang nhìn vào bản nhạc để chơi thì không thể để hết các trang nhạc trên giá đàn vì chắc chắn là không đủ chỗ còn nếu muốn lật trang thì phải nhờ người khác ngồi kế bên giúp (với điều kiện là người đó biết là bạn đang chơi tới đâu để lật trang), và nếu bạn tự lật trang thì có khi lại không kịp lật để đệm hay khi bạn chơi các giai điệu có tiết tấu nhanh hoặc nhiều khi vì gấp gáp, bạn vô tình làm rơi các trang nhạc rồi dẫn đến hậu quả là phải dừng chơi giữa chừng để lấy lại các trang nhạc bị rơi;
- Đi đâu mà muốn chơi những bản nhạc yêu thích thì bạn phải mang chúng theo vì nếu không bạn sẽ không thể nhớ hết nội dung của bản nhạc để chơi một cách trọn vẹn được;
- Khi tập trung nhìn vào bản nhạc, bạn sẽ không có đủ thời gian để nhìn vào bàn phím để quan sát các ngón tay của bạn đang di chuyển để từ đó điều chỉnh âm lượng lớn nhỏ sao cho phù hợp với sắc thái, tính chất của bản nhạc;
- Khi buộc phải nhìn vào bản nhạc, bạn sẽ bị chậm khi đọc và dịch các nốt ra trong đầu để chúng trở thành những gì mà bạn đang chơi bằng hai tay của mình;
- Nếu cần mở mắt để tiếp nhận một lượng lớn thông tin đi vào não và phải lập tức diễn dịch chúng theo nhiều cách phức tạp ngay lập tức thì bạn sẽ không thể nhắm mắt để phiêu theo đường đi của giai điệu và tiết tấu của bản nhạc; và
- Khi buộc phải nhìn vào bản nhạc khi chơi, nếu vì bất kỳ một lý do nào đó làm bạn chơi bị sai thì cũng khó ứng tấu nhanh để tìm cách quay trở lại ngay đoạn nhạc chơi đúng ở phần trước đó trong thời gian nhanh nhất và như thế sẽ làm gián đoạn bản nhạc đang chơi.
Tuy nhiên, điểm bất lợi chính của việc học thuộc lòng đó là não của bạn, đặc biệt là của những người lớn tuổi đã chứa quá nhiều thông tin về đời sống hàng ngày, không tài nào chứa được thêm nhiều thông tin nữa và do đó bạn thường chỉ nhớ được tối đa vài chục bản nhạc hoặc có thể là trong khi bạn cố nhớ bản nhạc mà bạn mới tập thì các bản nhạc cũ mà bạn đã chơi thuần thục lâu ngày lại bị quên. Bên cạnh đó, nếu chọn cách học thuộc lòng, bạn sẽ có khuynh hướng không muốn thị tấu và do đó kỹ năng thị tấu của bạn sẽ dần kém đi theo thời gian và khi gặp các bản nhạc mới bạn sẽ gặp khó khăn để làm quen.
Từ những thuận lợi và bất lợi ở trên, nếu bạn chọn học thuộc lòng bản nhạc thì nên biết rằng học thuộc lòng sẽ giúp bạn nhìn được hai tay và kiểm soát các ngón tay của bạn sao cho chúng đứng thẳng trên phím đàn cũng như giúp bạn tránh được sự phân tâm giữa bản nhạc và phím đàn, nó cũng hữu ích khi bạn cần quay video hay khi chơi đàn piano ở đâu đó.
Bên cạnh đó, mặc dù việc luyện tập kỹ năng thị tấu là hết sức cần thiết để xử lý các bản nhạc mới, bạn cũng cần học qua các bước để học thuộc lòng cả một bản nhạc trong thời gian nhanh nhất có thể. Các bước thông thường cho quá trình học thuộc lòng một bản nhạc sẽ tuần tự như sau:
- Trước tiên, bạn cần làm quen với bản nhạc qua việc học thuộc lòng giai điệu của bản nhạc (do tay phải đảm nhận). Ban đầu, bạn nên chọn các bản nhạc nổi tiếng mà bạn đã biết hoặc thuộc lòng một phần nào đó của giai điệu. Bằng việc mở bản nhạc đó trên Youtube, MP3, v.v… để bạn xem và nghe đi nghe lại nhiều lần cũng như đọc qua ca từ của nó nếu bản nhạc có lời để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của từng câu, đoạn nhạc, hiểu được cách xây dựng, phát triển và chốt lại nội dung ca từ của tác giả bản nhạc;
- Thứ hai, bạn nên xem tác giả bản nhạc đã soạn các mẫu âm hình đệm cho bản nhạc theo tiết điệu gì để từ đó bạn biết được một cách khái quát các mẫu âm hình đệm tiêu biểu của tiết điệu đó cho phần mẫu âm hình đệm bên tay trái;
- Thứ ba, bạn cần biết một ít kiến thức về nhạc lý và hòa âm để tìm hiểu về cách hình thành và phát triển giai điệu của tác giả bản nhạc để từ đó biết được vòng hợp âm mà tác giả bản nhạc đã sử dụng cũng như tìm hiểu các mẫu âm hình đệm tiêu biểu của chúng (bao gồm các mẫu âm hình đệm hẹp từ quãng năm đến quãng tám), các mẫu âm hình đệm rộng (hơn một quãng tám) để ghi nhớ cho bên phần mẫu âm hình đệm bên tay trái. Bên cạnh đó, do phải tạo đường đi âm Bass của các hợp âm sao cho liền lạc nên bạn cũng cần nhớ các hợp âm đảo và các mẫu âm hình đệm tiêu biểu của chúng;
- Thứ tư, trong một bản nhạc thường sẽ có ba đoạn nhạc được tác giả bản nhạc đưa vào dựa vào mà sự mô phỏng giai điệu và tiết tấu của bản nhạc đó là Đoạn dạo đầu, Giang tấu, Đoạn Kết (xin xem thêm ở Phần hướng dẫn cách soạn Đoạn dạo đầu, Giang tấu, Đoạn Kết) và bạn cần biết chúng nằm ở đâu trong bản nhạc để ghi nhớ chúng;
- Thứ năm, trong một bản nhạc thì ngoài phần giai điệu bên tay phải và phần mẫu âm hình đệm chính bên tay trái thì còn có thêm phần tô điểm tức là các phần thêm vào của tác giả bản nhạc và nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau trong bản nhạc (ví dụ như các câu dẫn, nối, chèn, lót, kiệu, v.v…) nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò và làm đẹp cho giai điệu, nối kết các câu, các đoạn lại với nhau sao cho liền lạc. Do đó, bạn cần biết chúng nằm ở đâu trong bản nhạc để không chỉ học thuộc lòng chúng mà còn biết chơi chúng mạnh hay nhẹ sao cho phù hợp với vai trò và công năng của chúng trong bản nhạc (âm lượng của phần tô điểm, sắc thái thường phải nhỏ hơn âm lượng của giai điệu để làm cho giai điệu được nổi bật); và
- Thứ sáu, bạn phải tính toán và xếp các ngón tay ở các mẫu âm hình đệm ở tay trái và phần giai điệu ở tay phải của bạn sao cho hợp lý và thuận tiện nhất và cố gắng ghi nhớ chúng. Xin tham khảo thêm phần giới thiệu về cách xếp ngón hiệu quả trên phím đàn piano.
Bên cạnh các bước ở trên, bạn cũng cần biết đến mười mẹo dưới đây để học thuộc lòng bản nhạc nhanh nhất:
- Mẹo thứ nhất, bạn cần tập trung luyện tập bằng cách tìm kiếm một nơi yên tỉnh nào đó, không ồn để tận dụng tối đa sức tập trung của bạn. Bạn chỉ cần bỏ ra từ 30 phút đến 60 phút cho việc tập chơi đàn piano mỗi ngày thì đã là hợp lý nhưng bạn cần tập trung thật sự;
- Mẹo thứ hai, bạn nên đọc qua ca từ của bản nhạc nếu bản nhạc có lời để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chúng. Đối với các bản nhạc từ thập niên 1990 trở về trước, các tác giả bản nhạc thường chú trọng đến ý nghĩa của ca từ, ca từ được xem là một câu chuyện được các tác giả bản nhạc dẫn dắt bằng âm nhạc nên nếu bạn hiểu được nội dung của bản nhạc thì nó sẽ ngấm vào trong não của bạn rất nhanh và vì thế bạn sẽ nhớ chúng rất lâu;
- Mẹo thứ ba, bạn nên chia nhỏ bản nhạc thành các đoạn phiên khúc A1, đoạn phiên khúc A2, đoạn điệp khúc B (đoạn cao trào) rồi lại chia nhỏ các đoạn phiên khúc thành từng câu. Nếu câu quá dài, bạn nên chia câu đó ra thành các chi câu. Trong các chi câu, bạn cũng nên phân chia ra thành các cụm nhỏ, thông thường mỗi cụm nhỏ như vậy sẽ có trường độ khoảng nửa ô nhịp, một ô nhịp hoặc thậm chí là nhiều hơn tuỳ theo bản nhạc hoặc theo kinh nghiệm của bạn. Bạn sẽ chơi từng đoạn nhỏ như thế cho đến khi thành thục rồi ráp từng chi câu lại thành câu, ráp các câu lại thành đoạn và ráp các đoạn lại thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Việc chơi từng đoạn nhỏ của bản nhạc sẽ giúp bạn tự tin hơn khi chơi ở bất kỳ đoạn nào vào bất kỳ thời điểm nào và như vậy bản nhạc của bạn sẽ trở lên phong phú hơn vì tính đa đạng của nó. Bên cạnh đó, việc chơi từng đoạn nhỏ cũng giúp bạn bắt kịp được nhịp độ và tiết tấu của bản nhạc tốt hơn, dễ làm bạn tập trung hơn và do đó chơi ít bị sai hơn;
- Mẹo thứ tư, bạn cần chơi từng đoạn nhạc với tốc độ thật chậm, sau khi đã thuần thục từng đoạn thì nối từng đoạn lại với nhau rồi từ từ tăng dần tốc độ cho đến khi đạt được tốt độ cần thiết theo ý đồ của tác giả bản nhạc. Nếu được, bạn nên quay video bản nhạc mà bạn đã tập và nghe đi nghe lại để giúp bạn phân tích những phần khó học nhất để tìm cách khắc phục lỗi;
- Mẹo thứ năm, khi gặp một đoạn nhạc khó, bạn không nên cố gắng luyện tập cho đến khi thành thục vì bộ não của bạn thật sự đã bị bão hòa, và dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng khó hoàn thành bản nhạc đó do bộ não của bạn không thể tiếp nhận và ghi nhớ thêm bất kỳ thông tin nào khác nên bạn cần giải lao từ 10 đến 15 phút hoặc bạn sẽ chuyển sang tập một đoạn nhạc nào khác của bản nhạc đó để não của bạn có thời gian nghỉ ngơi, tự sắp xếp lại và ghi nhớ lại các thông tin mà nó đã tiếp nhận trước khi bạn quay trở lại để tiếp tục luyện tập đoạn đó thêm một lần nữa;
- Mẹo thứ sáu, khi đang chơi mà bạn phải ngưng giữa chừng vì quên, bạn cần tìm ra chỗ bị ngưng đó, bạn sẽ dừng chơi và bắt đầu thử đoán xem bạn sẽ nhận ra được thêm các nốt có trong một vài ô nhịp nữa hay không và cố gắng ghi nhớ chúng cho các lần tập sau;
- Mẹo thứ bảy, khi đang chơi một cụm nốt nào đó của bản nhạc thì bạn cần đảo mắt nhanh qua phía bên phải của cụm nốt đó để nhìn cho được một vài nốt đầu của cụm nốt kế tiếp để từ đó gửi thông tin mà bạn đã thấy về não để nó có đủ thời gian hợp lý sắp xếp các ngón tay của bạn sao cho phù hợp với thế tay, nốt, cách xếp ngón hiệu quả nhất để chơi cụm nốt kế tiếp. Nếu không làm như thế và khi bạn di chuyển đến cụm nốt kế tiếp thì não của bạn sẽ không kịp xử lý vì phải xử lý một khối lượng thông tin quá lớn trong một thời gian quá ngắn và điều này làm bạn bị mắc lỗi hoài, chậm cải thiện;
- Mẹo thứ tám, bạn cần tập và ghi nhớ các tiết tấu, mô-típ thông dụng thường được các tác giả bản nhạc sử dụng khi soạn nhạc để khi gặp các nốt của các tiết tấu đó thì bạn sẽ kịp thời xử lý chúng một cách nhanh gọn và chính xác;
- Mẹo thứ chín, việc tập chép tay bản nhạc ra giấy cũng là một cách để bạn nhớ các nốt trong một bản nhạc. Bạn hãy chọn một bản nhạc yêu thích rồi ngồi viết tay lại bản nhạc đó với sự trình bày chi tiết và rõ ràng hết mức trong khả năng của bạn. Khi làm được như vậy, não của bạn sẽ tự động ghi lại những hoạt động của đôi tay và từ đó giúp bạn ghi nhớ sâu những gì mà đôi tay của bạn đã thực hiện; và
- Mẹo thứ mười, không có gì khác hơn là bạn phải luyện tập chơi đàn piano thật nhiều mỗi ngày trong một thời gian dài. Trong khoảng thời gian đó, não của bạn sẽ có điều kiện luyện tập đều đặn và thường xuyên để tạo phản xạ tốt cho bạn đối với việc đọc bản nhạc nhanh và thoải mái khi chơi. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian và công sức, nên để bị phạm lỗi, chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng để rồi sau đó bạn sẽ nhận được những quả ngọt trong suốt cuộc đời còn lại của mình.
Tóm lại, khi chơi đàn piano thì đầu tiên bạn nên tập kỹ thuật thị tấu trước. Khi đã quen dần với bản nhạc, bạn sẽ chuyển qua bước thứ hai là tập học thuộc lòng bản nhạc theo các cách thức và mẹo ở trên. Tuy nhiên, khi đang chơi mà quên một nốt nào đó thì bạn vẫn sẽ quay trở lại thị tấu để nhìn vào bản nhạc và tìm xem nốt đó nằm ở đâu để tập lại cho nhớ. Khi đã thuộc lòng được bản nhạc, bạn sẽ chuyển sang bước thứ ba là tập nhắm mắt khi chơi đàn tương tự như phong cách trình diễn của các nghệ sĩ piano chuyên nghiệp để cảm nhận được âm nhạc của bản nhạc bằng thính giác, giúp bạn có được cảm giác với giai điệu cũng như giúp bạn diễn đạt sắc thái của bản nhạc một cách sâu sắc nhất để truyền cảm đến người nghe. Bạn nên xem cả ba bước ở trên như là những kỹ năng theo mức độ từ thấp đến cao và có bổ sung qua lại cho nhau mà bạn cần học và luyện tập thường xuyên cho đến khi thành thục.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.