- Chơi ngẫu hứng là gì
Lead có nghĩa là sự chọn lựa tám nốt phù hợp trong tổng số 12 nốt của mỗi quãng tám (12 nốt quãng có độ dài bằng nửa cung) để bạn sáng tạo phiêu (feel) ngẫu hứng trên các nốt đó giúp tạo thành một giai điệu ăn rơ với giai điệu của bản nhạc.
- Cách chơi ngẫu hứng
Để chơi ngẫu hứng, bạn cần tiến hành các bước tuần tự như sau:
- Trước tiên, bạn tìm xem tám nốt phù hợp đó là các nốt nào. Muốn vậy, bạn phải xem hợp âm chủ của bản nhạc là hợp âm gì rồi từ đó suy ra âm giai của bản nhạc đó. Muốn biết hợp âm chủ của bản nhạc, bạn sẽ nhìn vào đầu khóa của khuông nhạc. Ví dụ, đầu khóa của khuông nhạc không có dấu thăng (#) hoặc dấu giáng (b) thì hợp âm chủ của bản nhạc sẽ là hợp âm C hoặc hợp âm Am, tùy bản nhạc đó vui hay buồn. Tiếp đến, bạn sẽ nhìn vào nốt cuối cùng của bản nhạc để xem nốt giai điệu đó là nốt gì, nếu là nốt C thì hợp âm chủ là Đô Trưởng (C), còn nếu là nốt A thì hợp âm chủ sẽ là La Thứ (Am);
- Xem tác giả bản nhạc có dùng Trưởng hòa thanh hoặc Thứ hòa thanh, Trưởng giai điệu hoặc Thứ giai điệu không trong một hoặc vài ô nhịp nào đó trong bản nhạc. Nếu có, bạn phải điều chỉnh các nốt VI và/hoặc VII trong 8 nốt của âm giai lại cho phù hợp tại một hoặc vài ô nhịp có chúng xuất hiện;
- Tìm một vòng hòa âm phù hợp để Lead, và thường thì bạn nên sử dụng chính vòng hòa thanh có sẳn ở đoạn phiên khúc A hoặc đoạn điệp khúc B của bản nhạc để Lead trên vòng hòa âm đó hoặc sẽ sử dụng những vòng hòa thanh phổ biến khác ví dụ như vòng hòa âm lùi dần quãng hai, vòng hòa âm quãng bốn hẹp, vòng hòa âm Canon (I-V-vi-iii-IV-I-IV-V), vòng hòa âm I-vi-ii-V để Lead;
- Tìm một đoạn giai điệu tiêu biểu, tức là đoạn giai điệu thường được lặp đi lặp lại hoặc có các ca từ giống với tên của bản nhạc, v.v… trong bản nhạc và sử dụng tiết tấu của đoạn giai điệu đó làm sườn cho đoạn Lead để người nghe vẫn cảm thấy đâu đó có cái chất, cái hồn của bản nhạc thoáng qua rồi dù bạn có chơi ngẫu hứng đến đâu rồi từ đó bạn sẽ dựa vào cái sườn tiết tấu và giai điệu đó để phát triển giai điệu và tiết tấu ra rộng và xa hơn đến hai, ba quãng tám rồi quay về tái hiện lại đoạn giai điệu làm sườn đó ở quãng cũ trước đó hoặc sẽ ở các quãng tám khác chẳng hạn; và
- Biết cách áp dụng linh hoạt qua lại giữa năm loại Lead là: (1) Lead theo cách bước lần theo âm giai của hợp âm chủ (diatonic); (2) Lead theo các nốt có trong hợp âm; (3) lead theo âm giai chromatic nữa cung; (4) Lead theo các quãng thuận, nghịch; và (5) Lead bằng cách sử dụng qua lại bốn cách ở trên với nhau.
- Lưu ý khi chơi ngẫu hứng
Khi chơi ngẫu hứng, bạn cần lưu ý đến sáu điểm sau đây:
- Dù đã chọn 8 nốt của âm giai để diễn tấu trên đó nhưng trong một số trường hợp, các nốt của một hợp âm (hợp âm ba nốt hay hợp âm bốn nốt) trong một ô nhạc nào đó lại không trùng với 8 nốt của âm giai đã chọn thì bạn phải ưu tiên sử dụng các nốt có trong hợp âm tại ô nhạc đó cùng với các nốt còn lại trong 8 nốt của âm giai và lý giải cho việc sử dụng đó bằng Trưởng hòa thanh, Thứ hòa thanh hoặc Trưởng giai điệu, Thứ giai điệu. Nếu không thể giải thích theo hướng đó, bạn sẽ giải thích rằng trong một hợp âm 3 thì ba vị trí chính nằm ở 1-3-5, các vị trí 2-4 sẽ là một cung hoặc nửa cung tùy theo hợp âm đó là hợp âm trưởng hoặc hợp âm thứ. Còn đối với hợp âm 4, bốn vị trí (hợp âm 7) chính nằm ở 1-3-5-7 thì các nốt ở vị trí 2-4-6 sẽ là một cung hoặc nửa cung tùy theo hợp âm đó là hợp âm trưởng hoặc hợp âm thứ;
- Khi xác định được hợp âm chủ của bản nhạc là hợp âm gì thì âm giai của bản nhạc sẽ theo hợp âm chủ của bản nhạc đó. Tuy nhiên, trong bản nhạc có nhiều hợp âm chứ không phải chỉ có hợp âm chủ nên câu hỏi đặt ra là tại một ô nhịp nào đó, nếu hợp âm tại vị trí đó không phải là hợp âm chủ hoặc hợp âm bà con, họ hàng với hợp âm chủ thì muốn chơi lead âm giai tại đó thì bạn sẽ chơi theo âm giai của hợp âm chủ bản nhạc hay chơi theo âm giai của hợp âm tại ô nhịp đó. Câu trả lời là bạn vẫn phải chơi âm giai của hợp âm chủ cộng với các nốt có trong hợp âm tại ô nhịp đó. Ví dụ, âm giai của Cm là: C – B – Eb – F – G – Ab – Bb nhưng trong một ô nhịp nào đó của bản nhạc có hợp âm là G7 mà bạn muốn chạy âm giai tại đó thì âm giai khi đó sẽ như sau: G – Ab – B – C – D – Eb – F. Nốt Bb của âm giai Cm được đổi thành B vì hợp âm G có nốt B ở bậc III;
- Trong 8 nốt có trong âm giai đã chọn, những nốt nào có trong các nốt của hợp âm đã chọn tại một ô nhịp nào đó sẽ được ưu tiên chơi nhiều hơn các nốt khác trong 8 nốt trong âm giai và khi giai điệu dừng lại ở đâu thì bạn phải cố gắng dừng lại tại một trong các nốt có trong hợp âm đã chọn tại ô nhịp đó;
- Để có hòa thanh hay thì nốt sau cùng của giai điệu khi dừng lại nên tránh âm Bass của hợp âm tay trái (âm Bass thường là nốt gốc nếu ở thể nguyên vị hoặc cũng sẽ ở các thể đảo 1, đảo 2, đảo 3). Tuy nhiên, nếu nốt giai điệu trùng với âm Bass của hợp âm tay trái (âm Bass ở thể nguyên vị) thì không cần tránh âm Bass của hợp âm tay trái vì âm Bass đó đại diện cho cả âm giai nên không có hòa âm tại vị trí đó cũng không sao;
- Không nên Lead tại chỗ trong vòng một quãng tám vì sẽ làm cho giai điệu bị đơn điệu, ỳ, không có sáng tạo. Thay vào đó, bạn nên cố gắng chạy lên chạy xuống xa ra từ hai quãng tám trở lên để tạo sự khác biệt, tính đa dạng, tạo sắc thái giúp tạo sự tò mò, thích thú cho người nghe; và
- Khi chơi các nốt cách nhau nửa cung thì cho cảm giác buồn, tối còn chơi hai nốt cách nhau một cung thì cho vẻ vui tươi, trong sáng. Thêm vào đó, khi chơi các nốt cách nhau một cung rưởi sẽ cho cảm giác buồn, tối còn chơi hai nốt cách nhau hai cung thì sẽ có vẻ vui, sáng. Từ đó suy ra, hợp âm trưởng thì 2 cung + 1,5 cung (vui trước rồi buồn sau) và hợp âm trưởng là 1,5 cung + 2 cung (buồn trước vui sau).
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.