Tìm hiểu cấu trúc một bản nhạc giúp chơi đàn piano nhanh và có hồn hơn

Để chơi một bản nhạc được chuyển soạn cho piano một cách nhanh chóng và chính xác, cũng như để có thể nhớ tất cả các ký hiệu trong bản nhạc mà không phải nhìn vào bản nhạc khi chơi để tăng cảm xúc, bạn cần biết rằng phần mẫu âm hình đệm trong bản nhạc bên tay trái có vai trò quan trọng. Tùy vào tiết điệu của bản nhạc mà bạn đang chơi, các mẫu âm hình đệm phù hợp của tiết điệu đó sẽ được sử dụng. Nếu bản nhạc có lời thì phần mẫu âm hình đệm chỉ đóng vai trò phụ trợ nhằm làm nổi bật giai điệu. Trong trường hợp đó, mẫu âm hình đệm sẽ không được sử dụng để phô diễn nét đặc trưng của nhạc cụ, ví dụ như đàn piano, và chỉ nên phô diễn đặc trưng nhạc cụ ở các vị trí ngưng nghỉ giữa các chi câu, câu, đoạn. Vì vậy, phần mẫu âm hình đệm trong trường hợp này thường sẽ đơn giản, tuân theo quy luật của đường đi âm Bass và một số mẫu âm hình đệm cơ bản của tiết điệu sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ. Tuy nhiên, nếu đó là một bản nhạc không lời thì phần mẫu âm hình đệm thường sẽ phức tạp hơn nhiều. Nó sẽ bao gồm nhiều mẫu âm hình đệm phức tạp không tuân theo quy luật chung và do đó sẽ làm cho việc ghi nhớ chúng của bạn trở nên khó khăn hơn.

Để có thể chơi piano nhanh và chính xác cũng như thuộc lòng tất cả các ký hiệu trong bản nhạc, điều đầu tiên bạn cần nên biết là cấu trúc chung của một bản nhạc sẽ như thế nào. Cấu trúc này bao gồm những thành phần nào và vai trò của từng thành phần đó trong bản nhạc. Chúng thường được sắp xếp theo một trật tự nhất định nào đó và có những thành phần bắt buộc và tùy ý.

Nếu bạn có thể hiểu rõ cấu trúc của một bản nhạc, bạn sẽ dễ dàng dự đoán được những gì sẽ diễn ra tiếp theo khi đang chơi ờ bất kỳ đoạn nào trong bản nhạc. Điều này sẽ giúp bạn có đủ thời gian để chuẩn bị cho phần chơi tiếp theo của mình thay vì phải nhìn bản nhạc, làm mất thời gian cũng như mất tập trung rồi dẫn đến việc gây ra lỗi trong quá trình chơi.

Để hiểu về cấu trúc của một bản nhạc, bạn cần nắm rõ các khái niệm về các thành phần ví dụ như giai điệu, mẫu âm hình đệm, hòa âm, các kỹ thuật chèn, nối, dẫn, dẫn kiệu, tutti và lời bài hát (nếu có). Mỗi thành phần này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự độc đáo và đa dạng cho mỗi bản nhạc.

Mặc dù không có bất kỳ một quy tắc cố định nào trong việc soạn một bản nhạc được chuyển soạn cho piano, nhưng bạn cần hiểu qua về cấu trúc cơ bản của một bản nhạc chuyển soạn cho piano để từ đó hiểu sâu hơn về bản nhạc mà bạn sẽ chơi cũng như giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi chơi. Bản nhạc chuyển soạn cho piano thường tuân theo một số quy ước chung về kỹ thuật sáng tác cũng như sử dụng các thành phần khác nhau của bản nhạc một cách thích hợp tùy vào mục đích, tính chất, nội dung và ý đồ của tác giả bản nhạc. Những thành phần này bao gồm các phần như đoạn dạo đầu, (các) phiên khúc, điệp khúc, đoạn bắt cầu và đoạn dạo hết và được sắp xếp một cách trình tự và hợp lý để giúp người nghe hiểu và theo dõi bản nhạc một cách dễ dàng nhất.

Theo đó:

  • Đoạn dạo đầu (Intro)
  • Nói chung, khi là tác giả của một bản nhạc, bạn đều có mong muốn thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ phút đầu tiên bản nhạc vang lên và giữ cho họ tận hưởng bản nhạc của bạn đến phút cuối cùng. Vì thế, phần giới thiệu của bản nhạc là rất quan trọng, và chúng cần được soạn sao cho hấp dẫn và khơi gợi trước những gì sẽ diễn ra trong bản nhạc.
    • Bạn thường sẽ dùng phần mở đầu để giới thiệu một cách tinh tế về thể loại của bản nhạc, ví dụ như đó là nhạc đỏ, bolero Nam Bộ hay nhạc Tây Nguyên; tiết điệu chính của bản nhạc, ví dụ như đó là điệu ballad buồn hay pop rock sôi động; và chủ đề chính của bản nhạc, ví dụ như làng quê Việt Nam hay tình yêu đất nước. Tuy nhiên, bạn không nên tiết lộ hết tất cả các ý tưởng của mình ngay từ đoạn dạo đầu đó, mà chỉ cần đưa ra một vài gợi ý về những gì sẽ được trình bày ở các đoạn tiếp theo, nhằm kích thích sự tò mò của người nghe và khơi dậy mong muốn của họ muốn tìm hiểu thêm về bản nhạc của bạn.
    • Điều quan trọng là phần giới thiệu của bản nhạc phải được soạn sao cho thú vị và hấp dẫn, để tạo được một ấn tượng tốt đầu tiên với người nghe. Điều này sẽ giúp người nghe có niềm tin và sự hứng thú khi tiếp tục lắng nghe bản nhạc của bạn. Vì vậy, bạn cần sử dụng các kỹ thuật piano một cách sáng tạo và độc đáo để làm nổi bật phần giới thiệu của bản nhạc và thu hút sự chú ý của người nghe, ví dụ như bạn sẽ sử dụng các giai điệu đặc biệt, những câu chuyện đầy màu sắc hoặc hình ảnh sống động để tạo ra một trải nghiệm âm nhạc đáng nhớ cho người nghe.
  • Đoạn phiên khúc (verse)

Đoạn phiên khúc A trong bản nhạc có vai trò quan trọng trong việc truyền tải nội dung chủ đề của bản nhạc đến người nghe. Tùy vào ý định của tác giả bản nhạc, vị trí và độ dài của phần này có thể thay đổi. Tuy nhiên, thông thường thì đoạn phiên khúc cần có ít nhất hai câu trở lên để đưa người nghe vào câu chuyện của bản nhạc. Đây là phần mở đầu của một câu chuyện được tác giả kể và là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ bản nhạc nào. Bạn cần chọn lời chính nào đó sao cho phù hợp để truyền tải thông điệp và cảm xúc cho người nghe, giúp tạo nên một bản nhạc đầy hấp dẫn và có ý nghĩa.

  • Đoạn trước khi vào đoạn điệp khúc (pre-chorus)

Một bản nhạc cũng có thể có một đoạn đứng trước đoạn điệp khúc B. Tuy nhiên, độ dài và nội dung của đoạn này sẽ phụ thuộc vào ý đồ của tác giả bản nhạc. Mục đích của đoạn này là giúp chuyển tiếp từ đoạn phiên khúc vào đoạn điệp khúc B một cách mượt mà cũng như giúp chuẩn bị tinh thần cho người nghe. Nếu được, bạn sẽ sáng tạo một cách khéo léo theo cách riêng của mình để giúp đoạn này trở thành điểm nhấn đáng chú ý của bản nhạc.

Việc sáng tạo đoạn trước khi vào đoạn điệp khúc B là một quá trình tùy vào ý tưởng của tác giả bản nhạc. Độ dài và hình thức của đoạn này có thể khác nhau tùy từng người nhưng mục đích cuối cùng của nó là tạo sự thú vị và gây ấn tượng cho người nghe. Nói chung, đoạn này không bắt buộc, nhưng nếu được sử dụng một cách đúng cách, nó sẽ giúp cho bản nhạc được nổi bật và khiến người nghe bị cuốn hút.

  • Đoạn điệp khúc (chorus)

Phần kế tiếp của bản nhạc là đoạn điệp khúc, được xem như là trọng tâm của bản nhạc vì nó chứa nhiều năng lượng hơn các đoạn phiên khúc và luôn được xem là phần hay nhất của bản nhạc. Đoạn điệp khúc thường được lặp lại nhiều lần trong bản nhạc và có một điểm nhấn đặc biệt nào đó để thu hút người nghe. Điểm nhấn đó có thể là một đoạn riff đơn giản hoặc một giai điệu dễ nhớ và hấp dẫn nào đó, hoặc là một dòng lời nổi bật trong đoạn điệp khúc.

Thông thường, lời của đoạn điệp khúc sẽ không thay đổi. tuy nhiên, để tạo bất ngờ cho người nghe, tác giả bản nhạc có thể thêm vào nội dung mới hoặc sửa đổi lời hoặc cấu trúc của đoạn điệp khúc khi bản nhạc phát triển.

  • Phần chuyển đoạn (giang tấu)

Phần chuyển đoạn là một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển tiếp từ cuối đoạn điệp khúc sang đầu đoạn phiên khúc tiếp theo trong một bản nhạc. Thông thường, phần chuyển đoạn sẽ chứa một giai điệu hoặc một câu hát nào đó, hay đôi khi là cả hai yếu tố nêu trên đều có mặt. Phần chuyển đoạn thường kéo dài tương đương với một phần nhạc tiêu biểu và thường sẽ dài hơn đoạn mở đầu với từ 8, 12, 16 hoặc 32 ô nhịp chẵn.

Mục đích của phần chuyển đoạn là tạo ra một sự liên kết mượt mà giữa hai đoạn của bản nhạc cũng như giúp người nghe dễ dàng chuyển từ một đoạn nào đó của bản nhạc sang đoạn tiếp theo. Bạn có thể sáng tác phần chuyển đoạn theo nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau, tùy thuộc vào ý đồ riêng của bạn. Tuy nhiên, phần chuyển đoạn phải giữ được tính tương thích với nhịp điệu và phong cách của bản nhạc để đảm bảo một sự chuyển tiếp mượt mà và hài hòa giữa các đoạn của bản nhạc.

  • Đoạn cầu nối (chuyển tiếp cuối bài)

Đoạn cầu nối là một phần quan trọng trong bản nhạc, xuất hiện sau đoạn điệp khúc thứ hai để làm công việc chuyển tiếp hoặc “cầu nối” đến đoạn điệp khúc thứ ba cuối cùng của bản nhạc (nếu có). Vị trí của đoạn cầu nối thường ở phần cuối cùng của bản nhạc và chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong bản nhạc. Đoạn cầu nối sẽ giúp giảm bớt tình trạng nhàm chán khi đoạn điệp khúc được chơi lặp lại quá nhiều lần.

Tuy nhiên, không phải bản nhạc nào cũng cần phải có đoạn cầu nối. Thông thường, đoạn cầu nối chỉ xuất hiện trong các bản nhạc đơn giản với chỉ có các đoạn phiên khúc và đoạn điệp khúc. Ngoài ra, đoạn cầu nối còn giúp tăng động lực cho đoạn điệp khúc cuối cùng khi bạn muốn chuyển bản nhạc sang một ton giọng cao hơn, thường là từ 0.5 đến 01 cung. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau để soạn đoạn cầu nối, tùy thuộc vào ý đồ của bạn, nhưng vẫn phải giữ được tính tương thích với nhịp điệu và phong cách của bản nhạc.

  • Đoạn dạo kết (ending)

Có rất nhiều cách khác nhau để bạn hoàn tất một bản nhạc một cách tuyệt vời. Trong đó, đoạn kết là phần cuối cùng của bản nhạc và thường có độ dài ít hơn hoặc tương đương với đoạn mở đầu. Một cách đơn giản để hoàn thành đoạn kết của một bản nhạc là bạn sẽ lặp lại đoạn cuối cùng của bản nhạc để kết thúc một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn cũng có thể lại muốn tạo ra một hiệu ứng đột ngột và đầy mạnh mẽ để kết thúc bản nhạc của bạn. Ngoài ra, đối với những bản nhạc khác, đoạn kết cũng có thể được bạn xử lý một cách không chắc chắn, tạo ra sự nuối tiếc cho người nghe về một vấn đề nào đó chưa thật sự được giải quyết trong bản nhạc.

Tóm lại, không phải lúc nào đoạn kết cũng đơn giản và tầm thường. Bạn có thể thêm một tiếng vang cuối cùng hoặc một nhịp điệu cuối cùng mà bạn thích để tạo ra sự ấn tượng cho người nghe và khiến đoạn dạo kết của bạn trở nên đặc biệt hơn. Bằng cách này, người nghe sẽ có được một cảm giác mãn nhãn và chắc chắn là sẽ nhớ mãi về bản nhạc đó.

Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.