Chi Phí Tài Chính Đầu Năm 2016: Doanh Nghiệp Thêm Gánh Nặng

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm dương lịch thì mọi loại chi phí của doanh nghiệp (“DN”) đều tăng cao khiến không ít chủ DN đau đầu, đặc biệt là các chủ DN vừa và nhỏ. Ngoài một số vấn đề thường kỳ như áp lực thu hồi công nợ từ khách hàng trong giai đoạn cuối năm để phục vụ việc trả nợ cho các nhà cung cấp, trả thưởng tết cho nhân viên, chi phí tiệc tùng, khánh tiết, quà cáp, sự kiện cho nhân viên, khách hàng, đối tác…, và xét tăng lương cho nhân viên định kỳ hàng năm, DN còn phải chịu một số chi phí tăng đột biến, bất thường mà DN không thể lường trước được do sự phức tạp, ngoài tầm kiểm soát, thiếu thông tin, hoặc khó dự đoán của nó. Câu chuyện này có lẽ cũng tiếp tục diễn ra tương tự vào đầu năm 2016. Ngoài các nguyên nhân bên lề dẫn đến chi phí DN tăng thêm như gần đây Trung Quốc bất ngờ phá giá sâu đồng nhân dân tệ làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các DN Việt Nam, kéo theo biến động tỷ giá ngoại tệ và thị trường ngoại hối cũng ảnh hưởng theo đó, thì việc thay đổi các chính sách của Chính phủ dưới đây, trong một chừng mực nào đó, đã góp phần làm tăng thêm nỗi lo cho các DN.

chi-phi-tai-chinh-nam-2016

Một là, chi phí thuế có thể tăng cao               

Pháp luật thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành không khống chế mức trần cho chi phí trả lãi tiền vay vốn của DN vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu để xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Nếu khoản chi trả lãi tiền vay vốn của DN thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định sẽ được xem là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Thế nhưng điều này có thể sẽ bị thay đổi trong năm 2016 sắp tới.

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế ngày 13/8/2015 được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ[1], chi phí trả lãi tiền vay vốn của DN vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu sẽ không được xem là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Nếu chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại thì được xem là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; và từ ngày 01/01/2019, tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu là 4:1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3:1 đối với các lĩnh vực còn lại. Riêng đối với tổ chức tín dụng và một số ngành, nghề, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành đã có các quy định riêng về tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu thì thực hiện theo các quy định đó.

Theo lập luận của Bộ Tài chính tại Báo cáo đánh giá tác động của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, quy định khống chế khoản chi phí trả lãi tiền vay được trừ vào chi phí đối với trường hợp khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu nhằm hạn chế rủi ro tài chính từ các DN có vốn mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay khi tỉ lệ vốn chủ sở hữu rất ít và thực tế các DN này do có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN; và quy định như vậy để hạn chế rủi ro nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và tình trạng chuyển giá thông qua việc cho vay giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty trong cùng một tập đoàn vì ở một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi phí trả lãi tiền vay vốn cho công ty mẹ ở nước ngoài thì quá lớn dẫn đến tình trạng các DN này cứ than lỗ mặc dù doanh thu lại luôn tăng trưởng qua các năm và chính các DN đó vẫn không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Chưa đánh giá đến tính khả thi của quy định trên, nhưng một khi được thông qua, các DN (đặc biệt các DN nào hoạt động sản xuất hàng hóa không có nguồn vốn sẵn có lớn mà hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay và ý tưởng sản xuất kinh doanh lúc ban đầu) có thể phải nộp nhiều tiền thuế TNDN hơn trước.

Hai là, chi phí đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tăng

Hằng tháng, DN phải chi 18% quỹ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) và tiền lương dùng làm căn cứ đóng BHXH chỉ bao gồm mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, theo quy định tại Điều 92 và Điều 94.1 Luật BHXH 2006. Nhưng, từ ngày 01/01/2016 trở đi, Luật BHXH 2014 có hiệu lực và thay thế Luật BHXH 2006 sẽ thay đổi cách tính tiền lương này, theo hướng là, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi sẽ bao gồm mức lương và phụ cấp lương. Nếu các DN hiện nay có thể lập kế hoạch tài chính, cơ cấu thang, bảng lương bằng cách phân định rõ đâu là mức lương đâu là phụ cấp lương và các khoản bổ sung để chi đóng BHXH cho NLĐ phù hợp hơn với nguồn tài chính của DN, thì với sự thay đổi này, câu chuyện này dường như bất khả thi, bởi lẽ, tiền lương đóng BHXH từ đầu năm 2016 đã bao gồm luôn cả hai khoản là mức lương và phụ cấp lương. Thậm chí khả năng các DN có thể cơ cấu lại các khoản trả cho NLĐ thành các khoản bổ sung khác không phải là tiền lương hay phụ cấp lương để giảm các khoản chi phí đóng BHXH được thấp hơn cũng khó thực thi, vì theo định nghĩa của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015, phụ cấp lương được hiểu là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương – một quy định chung chung, mơ hồ khiến DN cũng khó phân định.

Một khi chi phí đóng BHXH tăng tất yếu dẫn đến chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ cũng tăng vì tiền lương tháng đóng BHTN của DN cho NLĐ theo quy định của Luật Việc Làm được dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Ba là, tăng mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng hiện đang được áp dụng đối với DN theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 như sau: vùng 1: 3,1 triệu đồng/tháng; vùng 2: 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3: 2,4 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,15 triệu đồng/tháng. Và mới đây, trên cơ sở thảo luận với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đệ trình lên Chính phủ thông qua việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức 12,4%[2], tương đương 250 đến 400 ngàn đồng cho 4 vùng. Khi đó, mức lương tối thiểu mới của vùng 1 sẽ là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400 ngàn đồng/tháng so với năm 2015); vùng 2 là 3 triệu đồng/tháng (tăng 350 ngàn đồng/tháng so với năm 2015); vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300 ngàn đồng/tháng so với năm 2015) và vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250 ngàn đồng/tháng so với năm 2015).

Nếu Chính phủ phê duyệt mức lương tối thiểu vùng tăng thêm từ năm 2016 như trên, ắt hẳn một loạt các chi phí mà DN phải chi vì quyền lợi của NLĐ sẽ tăng thêm. Ví dụ như, mức lương tối thiểu cho một công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường mà DN phải trả cho NLĐ sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đối với công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề) thì mức lương tối thiểu phải trả phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng (theo Điều 5.1(b) Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014). Và mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường (theo Điều 7.1(c) Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013). Rõ ràng rằng, khi mức lương tối thiểu vùng tăng thì tổng quỹ lương mà DN phải trả cho NLĐ cũng sẽ tăng theo (đối với các DN đang trả lương cho NLĐ chỉ bằng với mức lương tối thiểu vùng). Một khi quỹ lương tăng, hệ lụy là, chi phí đóng BHXH và BHTN tăng cho NLĐ cũng tăng vì DN hàng tháng phải chi 18% quỹ tiền lương để đóng BHXH và BHTN cho NLĐ như đã nói trên đây.

Chưa kể đến một chi phí nữa cũng tăng là kinh phí công đoàn vì theo Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, DN dù cho có hay chưa có công đoàn cơ sở đều có nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn với mức đóng là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Vì quỹ tiền lương này chính là tổng mức tiền lương của những NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH nên quỹ tiền lương tăng thì kinh phí công đoàn mà DN đóng cũng tăng.

Trước mắt làm sao vượt qua các khó khăn này?

Trước nguy cơ hàng loạt các chi phí tài chính tăng như vậy, DN nên sớm chủ động tìm ra các giải pháp thay thế để cân bằng được hoạt động tài chính của chính mình. Ví dụ như, các DN có thể thuê ngoài nhân sự, sử dụng nguồn lao động tạm thời hay sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động trong một số loại công việc mà pháp luật cho phép. Việc đi thuê lại lao động ở bên ngoài cũng đặc biệt thích hợp cho các DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo “mùa”. Nếu vào mùa cao điểm, DN có thể ký hợp đồng thuê lại lao động từ các DN cho thuê lại lao động để phục vụ cho chu kỳ sản xuất, kinh doanh của mình trong một thời gian nhất định. Rồi sau khi qua mùa cao điểm hay vào mùa “ế”, DN có thể tạm dừng thuê lao động lại. Như vậy, các DN sẽ tận dụng tối ưu hóa nguồn nhân lực phù hợp cho chu kỳ của mình. Ngoài ra, do việc trả tiền lương, trợ cấp hay các khoản đóng BHXH bắt buộc hay BHTN cho NLĐ đã thuộc về trách nhiệm của các DN cho thuê lại lao động nên DN đi thuê lao động cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trả lương hay chi phí đóng BHXH và BHTN. Hoặc DN cũng có thể tính đến phương án huy động vốn từ bên ngoài hoặc phát hành trái phiếu DN cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài để vượt qua “cơn khó khăn” này.

Và cũng có một số thuận lợi

Thật ra bức tranh “chi phí DN năm 2016” không hẳn là màu xám vì một số chính sách của Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây cũng tô hồng được ít nhiều. Cụ thể là, nếu DN nào đang thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 22% thì kể từ ngày 01/01/2016 trở về sau, mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm xuống còn 20% (theo Điều 10.1 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, DN nào hiện có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% trong thời gian 10 năm theo quy định (cụ thể là DN có thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc các DN có thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống) thì từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất thuế TNDN được áp dụng sẽ chỉ còn 17% cho khoảng thời gian còn lại theo quy định tại Điều 15.3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, các DN xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ còn được hưởng nhiều ưu đãi về mặt thuế quan khi trong năm 2016 tới đây, Việt Nam và các nước ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có thể sẽ cắt giảm thuế quan theo cam kết, ví dụ như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (EAEU) ngày 29/5/2015, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc ngày 5/5/2015 (VKFTA), Hiệp định Thương mại Việt – Lào ngày 27/6/2015, … Cụ thể như theo quy định của FTA Việt Nam – EAEU về việc cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho EAEU thì có đến 6,718 dòng thuế (chiếm khoảng 59% biểu thuế sẽ được loại bỏ thuế quan (tức thuế suất 0%) ngay sau khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực. Còn theo VKFTA (dự kiến có hiệu lực từ 01/01/2016), Việt Nam cam kết mở cửa thêm với Hàn Quốc đến 200 dòng thuế theo lộ trình 15 năm (thuế nhập khẩu), dẫn đến dòng thuế cam kết cắt giảm của Việt Nam với Hàn Quốc là 8,520 dòng thuế; ngược lại, về phía Hàn Quốc cam kết mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng dòng thuế được cam kết cắt giảm là 11,600 (chiếm 95,4% biểu thuế). Hoặc theo Hiệp định Thương mại Việt – Lào, hai nước cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan cho hơn 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước.

Cộng hưởng thêm điều này, mới đây nhất là khả năng thông qua của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như một số các hiệp định khác mà Việt Nam đang đàm phán như hiệp định giữa Việt Nam và EU (EVFTA), hay hiệp định giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na-Uy, Ai-xơ-len, Lichteinsten) thì các khoản thuế quan áp dụng cho các mặt hàng sẽ được giảm đáng kể. Đơn cử như theo Hiệp định TPP, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Hy vọng với những điều này sẽ giúp các DN có thêm niềm tin trước thềm năm mới 2016.

Luật sư Nguyễn Hữu Phước- Công ty Phước & Các Đồng Sự 

 —

[1] http://vibonline.com.vn/Duthao/1757/DU-THAO-LUAT-SUA-DOI-BO-SUNG-MOT-SO-DIEU-CUA-CAC-LUAT-VE-THUE-DU-THAO-1382015.aspx

[2] http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Chot-muc-tang-luong-toi-thieu-vung-124/235502.vgp