Thuận lợi và bất lợi nào khi chia tách công ty luật?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

…………………

Thuận lợi

Nếu bạn đang có ý định và muốn chủ động trong việc chia tách công ty luật với một trong những lý do đã nêu, thì việc này sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích như sau:

  • Bạn sẽ trở thành người điều hành cao nhất trong công ty luật của riêng mình, có thể thực hiện chuyên môn và quản lý công ty theo cách mà bạn cho là tốt nhất và hiệu quả nhất;
  • Trong tương lai, nếu bạn quản lý và điều hành công ty luật mới của mình thành công, bạn sẽ có thu nhập cao hơn so với thu nhập trước đây;
  • Bạn sẽ cảm thấy tự hào và hãnh diện về những cống hiến của mình. Điều này sẽ giúp bạn tăng sự tự tin và động lực để vươn lên trong sự nghiệp; và
  • Ngoài ra, việc chia tách công ty còn giúp bạn có thêm sự chủ động hơn trong các vấn đề liên quan đến quản lý và điều hành công ty của mình.

Vì vậy, nếu bạn có kế hoạch chia tách công ty luật của mình, hãy đảm bảo rằng quyết định của bạn được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề.

 Bất lợi

Ngoài những lợi ích đã được đề cập ở trên, việc chia tách công ty luật cũng mang đến nhiều bất lợi mà bạn cần cân nhắc. Dưới đây là một số ví dụ điển hình về những bất lợi đó:

  • Đầu tiên, bạn có thể mất đi một số khách hàng quan trọng. Họ có thể không muốn đi theo bạn đến một công ty luật khác mà chưa được công nhận trên thị trường pháp lý. Hoặc nếu có thì họ lại không có thiện cảm với công ty luật đó. Điều này có thể dẫn đến mất mát nguồn thu nhập lớn trong tương lai;
  • Thứ hai, trong ngắn hạn, bạn có thể bị giảm thu nhập ngay khi công ty luật chia tách. Điều này bởi vì bạn phải chịu rất nhiều chi phí hoạt động của công ty luật mới so với trước đây, trong khi doanh thu từ khách hàng bị sụt giảm trong ngắn hạn do nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau;
  • Thứ ba, trong thời gian đầu sau khi chia tách, công ty luật mới của bạn có thể không có đủ nhân sự có kinh nghiệm để phục vụ các công việc pháp lý của khách hàng. Các nhân viên giỏi của công ty luật cũ của bạn có thể không theo bạn qua công ty luật mới. Việc tuyển dụng nhân viên mới lại gặp khó khăn do công ty luật mới của bạn chưa có đủ tài chính để trả lương hấp dẫn thu hút nhân tài. Hoặc các ứng viên tiềm năng lại không thích làm việc cho các công ty luật mà chưa có nhiều tiếng tăm như của bạn;
  • Thứ tư, một số lĩnh vực chuyên môn pháp luật được công ty luật cũ cung cấp sẽ bị thu hẹp lại trong ngắn hạn vì bạn không có chuyên môn hành nghề trong lĩnh vực pháp luật đó hoặc công ty luật mới của bạn không có nhân viên có kinh nghiệm hỗ trợ;
  • Nếu bạn đang tính đến việc tách công ty luật của mình ra thành một công ty mới, hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Việc này có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng lại thương hiệu cho công ty mới. Bên cạnh đó, quỹ thời gian của bạn và gia đình sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong ngắn và trung hạn vì bạn phải toàn tâm toàn ý với rất nhiều công việc trong công ty mới từ quản trị cho đến hành nghề; và
  • Nếu công ty hiện tại đang có một số công việc pháp lý đang được thực hiện dở dang cho khách hàng, ví dụ như đại diện cho khách hàng trong các vụ tranh chấp hoặc đang trong quá trình thủ tục xin giấy phép cho khách hàng, việc chia tách công ty luật sẽ gây xáo trộn về nhân sự và dễ khiến cho khách hàng không hài lòng. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định tách công ty, để tránh các tác động tiêu cực này đến công ty và khách hàng của bạn.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.