4 mẹo hay về đường đi âm trầm (bass) khi chơi piano

Âm Bass là âm trầm thuộc dãy âm tần dao động thường từ 16-256 Hz. Âm trầm trong hòa âm bốn bè giúp củng cố các hợp âm của bản nhạc, tái tạo âm thanh của giai điệu, làm cho âm thanh nghe tròn trịa hơn, giúp người nghe cảm nhận được âm thanh của bản nhạc với nhiều màu sắc, cảm xúc và chất lượng hơn. Câu âm trầm (Basslines) là tập hợp một số âm trầm có trong bản nhạc nhằm tạo nhịp điệu của các nốt trầm đóng vai trò hỗ trợ cho giai điệu của bản nhạc.

Phần mẫu âm hình đệm tay trái có hai phần chính là phần âm trầm và phần mẫu âm hình đệm (bao gồm các nốt có trong hợp âm tại mỗi ô nhịp).

  • Đường đi của âm trầm (Bass)

Những tác phẩm âm nhạc hay chắc chắn không thể thiếu âm thanh của âm Bass. Âm Bass thường được xem là sườn của giai điệu và nhịp điệu trong âm nhạc. Nó tạo ra âm thanh sâu, căng, tròn, êm, chặt chẽ, chính xác, nhanh và có lực. Nói chung, âm Bass thường là nốt gốc của hợp âm (nó nằm ở các phách mạnh hoặc phách mạnh vừa của ô nhịp). Tuy nhiên, khi được sử dụng với chức năng nối, dẫn giữa hai hợp âm để bài đệm có hòa âm và nằm ở các phách yếu và ở cuối ô nhịp thì âm Bass thường không nằm trong các nốt có trong hợp âm mà trong âm giai thứ, trưởng hay âm giai Chromatic. Âm Bass trong trường hợp này sẽ là một nốt, hai nốt hoặc thậm chí là ba đến bốn nốt.

Muốn cho âm Bass được dày, sâu, căng và tròn, bạn sẽ chồng quãng tám hoặc chơi âm Bass tách khỏi phần mẫu âm hình đệm ít nhất một quãng tám để tạo ra âm thanh có độ trầm nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoảng cách giữa âm Bass và mẫu âm hình đệm ở bên tay trái không nên cách nhau hơn hai quãng tám, còn nếu không sẽ làm cho âm thanh ở giữa bị rỗng, không được hay.

Âm Bass đi từ hợp âm này sang hợp âm kia sẽ hay hơn nếu nó di chuyển theo hình lượn sóng, có lúc lên có lúc xuống. Nếu được, bạn cũng nên cho âm Bass bên tay trái đi ngược chiều đi của nốt giai điệu bên tay phải nhưng không phải lúc nào cũng vậy vì khi các nốt giai điệu và các âm Bass đi ngược chiều nhau hoài thì chúng càng ngày sẽ gần nhau hơn và đến một lúc nào đó hai bên sẽ chồng lên nhau hoặc nếu hai bên càng đi xa nhau thì sẽ tạo ra khoảng trống ở giữa chúng ngày càng lớn và làm cho các âm Bass và phần giai điệu rời rạc, không hòa quyện với nhau. Vì thế, khi các Âm bass và các nốt giai điệu càng gần nhau, bạn phải tìm cách tách chúng ra một cách đồng thời hay lần lượt và khi cả hai cách nhau quá xa thì phải tìm cách kéo chúng lại gần với nhau một cách đồng thời hoặc lần lượt.

Nói chung, có bốn cách phổ biến để nối âm Bass từ hợp âm này sang hợp âm kia mà có hòa âm như sau:

  • Cách 1: Sử dụng các thể đảo của hợp âm

Chú ý, khi hết một đoạn hoặc từ đoạn phiên khúc A vào đoạn điệp khúc B thì bạn nên trở về âm Bass gốc của hợp âm chủ. Trên thực tế, sẽ có trường hợp nốt giai điệu ở tay phải lại trùng với âm Bass ở tay trái (dù cả hai cách nhau từ một đến hai quãng tám). Nếu gặp tình huống như vậy thì sẽ không có hòa âm giữa âm Bass và nốt giai điệu tại điểm trùng nhau đó, nên bạn phải tìm cách để âm Bass tránh nốt giai điệu (nhưng không phải lúc nào cũng như vậy) bằng cách di chuyển âm Bass đến một vị trí khác, ví dụ như di chuyển âm Bass một quãng ba để nó trở thành bè quãng ba (đây là khoảng cách tốt nhất vì chúng sẽ phân biệt được hợp âm trưởng hoặc hợp âm thứ) hoặc di chuyển âm Bass đi xa một quãng năm để trở thành bè quãng năm. Việc sử dụng các thể đảo của hợp âm cũng giúp câu Bass được liền lạc với nhau hơn qua việc các âm Bass của hai hợp âm sẽ trùng với nhau hoặc gần nhau hơn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tạo ra sắc thái mới lạ, phong phú hơn so với lúc nào cũng chơi hợp âm ở thể nguyên vị.

Lưu ý 1: khi âm Bass ở vị trí nào đó trong các nốt có trong hợp âm, ví dụ như ở vị trí nguyên vị thì các nốt còn lại của hợp âm trong phần mẫu âm hình đệm dù có nằm ở vị trí nguyên vị hay ở các thể đảo nào khác của hợp âm thì màu sắc âm thanh của chúng đều như nhau. Chỉ khi nào có sự thay đổi vị trí âm Bass khỏi vị trí nguyên vị của nó thì màu sắc âm thanh ở phần mẫu âm hình đệm mới bị thay đổi. Như vậy, khi muốn dịch chuyển vị trí của phần mẫu âm hình đệm của hợp âm đầu đến vị trí mẫu âm hình đệm của hợp âm sau, ở nơi mà bạn muốn nhưng vị trí của mẫu âm hình đệm của hợp âm sau lại không nằm gần vị trí của mẫu âm hình đệm của hợp âm đầu thì bạn sẽ dịch chuyển vị trí mẫu âm hình đệm ban đầu miễn sao âm Bass của nó vẫn nằm nguyên ở vị trí ban đầu (khi bạn làm như vậy thì không làm thay đổi màu sắc của âm thanh) cho đến gần với vị trí của mẫu âm hình đệm mà bạn muốn của hợp âm sau rồi chuyển từ âm Bass của hợp âm đầu sang âm Bass của hợp âm sau cho gần.

Lưu ý 2: Khi hết một đoạn hoặc ở đoạn kết của bản nhạc, thông thường bạn phải sử dụng hợp âm ở thể nguyên vị theo kiểu kết trọn. Tuy nhiên, nếu đó không phải là kiểu kết trọn mà giai điệu lại tiếp tục được di chuyển tiếp đi đâu đó thì bạn vẫn sẽ sử dụng các thể đảo của hợp âm như trên.

  • Cách 2: Di chuyển âm Bass theo bước lần (walking Bass)

Theo đó, âm Bass sẽ di chuyển đi lên hoặc đi xuống theo các quãng hai hoặc đi xuống quãng ba, rồi lại đi lên quãng bốn và rồi lại đi xuống quãng năm (tức là theo các nốt có trong hợp âm) hoặc sẽ nhảy xa tối đa một quãng tám nếu âm Bass và phần mẫu âm hình đệm có khoảng cách quá gần với giai điệu hoặc ở vào vị trí cực trầm trong âm giai của bản nhạc.

Việc di chuyển âm Bass giữa các hợp âm theo bước lần và theo các quãng ba, quãng bốn, quãng năm như trên thường sẽ theo một trong những cách sau đây:

  • Âm Bass sẽ di chuyển theo các nốt có trong hợp âm. Xin lưu ý, cách di chuyển âm Bass như vậy thường bị vướng vào nốt thứ ba của hợp âm và cũng vì nốt thứ ba của hợp âm là nốt quyết định tính chất trưởng hoặc thứ của hợp âm nên đôi khi nó lại bị chỏi với các nốt của giai điệu. Khi gặp trường hợp như vậy, bạn nên tránh chúng đi, đặc biệt là ở các hợp âm thứ;
  • Di chuyển âm Bass theo các nốt có trong hợp âm nhưng chỉ sử dụng cho âm 1 và âm 5 của hợp âm, bao gồm: âm 1 rồi âm 1 hoặc âm 5 rồi âm 1 (thường được dùng cho một số tiết điệu đặc trưng ví dụ như điệu Pop có tính chất đơn giản, mộc mạc); và
  • Di chuyển âm Bass theo dạng diatonic (âm giai) hoặc chromatic nữa cung. Khi di chuyển Âm Bass theo dạng diatonic hoặc chromatic, bạn cần lưu ý rằng âm Bass không nhất thiết phải di chuyển liền bật mà nó có thể ở các vị trí khác nhưng phải gần với vị trí âm Bass của hợp âm tiếp theo, miễn sao cả hai âm Bass sẽ cách nhau không quá một quãng tám. Trong trường hợp này, âm Bass sẽ đi từ nốt bậc I của hợp âm trước bắt cầu sang nốt bậc II hoặc nốt bậc VII của hợp âm sau rồi từ đó di chuyển về âm Bass gốc của hợp âm sau. Lý do của việc di chuyển bắt cầu như vậy là vì các nốt bậc II và nốt bậc VII của hợp âm sau là các nốt có tính chất không ổn định và có khuynh hướng phải được giải quyết bằng cách hút dẫn về các âm tựa liền kề với nó (là các nốt có trong hợp âm sau) có tính chất ổn định, nốt bậc VII chỉ cách nốt bậc I của hợp âm sau nửa cung còn nốt bậc II cũng chỉ cách nốt bậc I của hợp âm sau một cung nên sẽ có xu hướng hút dẫn về nốt gốc của hợp âm sau. Việc chọn lựa giữa nốt bậc II hoặc nốt bậc VII của hợp âm sau sẽ tùy thuộc vào vị trí của chúng so với âm Bass gốc của hợp âm sau, vị trí nào gần với âm Bass gốc của hợp âm sau hơn thì sẽ được ưu tiên lựa chọn vì tạo ra hòa âm tốt nhất.
  • Cách 3: Di chuyển âm Bass đi lên hoặc đi xuống theo dạng chromatic nửa cung

Hãy lưu ý, bạn phải làm sao để việc di chuyển như vậy phải nằm ở các phách yếu để các nốt nằm ngoài các nốt có trong âm giai chỉ được nghe thoáng qua và không làm ảnh hưởng đến các nốt có trong âm giai của bản nhạc.

  • Cách 4: Tổng hợp 3 cách trên

Cách tốt nhất là chơi luân phiên 3 cách nêu trên hoặc trộn ba cách đó lại trong một ô nhịp để làm cho phần mẫu âm hình đệm của bạn thêm phong phú và làm cho người nghe không đoán trước được là bạn sắp chơi kỹ thuật piano gì ở âm Bass nhằm gây sự tò mò, chú ý của họ. Bạn không nên lúc nào cũng di chuyển âm Bass một cách máy móc như trên ở tất cả các ô nhịp trong bản nhạc mà chỉ nên sử dụng ở những vị trí hợp lý bao gồm:

  • Từ nốt sau cùng của Đoạn dạo đầu ở hợp âm 7 át lấy đà để di chuyển trở về hợp âm chủ;
  • Từ hợp âm 7 át di chuyển về hợp âm chủ giữa các câu trong một đoạn với mục đích nối hai câu lại (không nên dẫn âm Bass nếu có hợp âm 7 át về hợp âm chủ ở giữa của một câu);
  • Từ đoạn phiên khúc A di chuyển vào đoạn điệp khúc B (nên thay đổi tiết tấu đường đi của các âm Bass sao cho tạo khác biệt với tiết tấu điệu chính của bản nhạc);
  • Các âm Bass dẫn của cách hai và cách ba ở trên sẽ có ít nốt hoặc nhiều nốt, tùy vào tiết điệu của bản nhạc và thường có từ một đến ba nốt, nên chúng sẽ được sử dụng luân phiên nhau;
  • Các âm Bass phụ không nhất thiết phải nằm ở các nốt có trong hợp âm mà sẽ là các nốt có trong âm giai của bản nhạc; và
  • Cũng sẽ thay đổi vị trí các âm Bass hoặc thêm các âm Bass phụ vào các âm Bass chính.

Lưu ý 1: Khi chạy một đoạn câu của các âm Bass làm chức năng nối hay dẫn, bạn không nên chơi chúng ở quãng cực trầm vì âm thanh của chúng thường bị ồn ở quãng cực trầm và làm cho âm thanh giai điệu các câu Bass bị nhòe đi, không được rõ ràng.

Lưu ý 2: Khi di chuyển từ âm Bass gốc của hợp âm trước sang âm Bass gốc của hợp âm sau thì sẽ xảy ra một trong hai trường hợp đó là âm Bass sẽ đi lên hoặc đi xuống. Âm Bass gốc của hợp âm sau mà gần với âm Bass gốc của hợp âm trước thì sẽ được ưu tiên chọn. Tuy nhiên, cũng có hai trường hợp ngoại lệ là: (1) nếu âm Bass và phần mẫu âm hình đệm được thực hiện theo hướng dẫn như trên lại quá gần với phần nốt giai điệu thì bạn nên thục lùi về phía sau và tìm âm Bass gốc của chính hợp âm đó nhưng cách nhau một quãng tám hoặc bạn di chuyển lùi về nốt có trong hợp âm để tiến gần hơn về âm Bass gốc của hợp âm sau; và (2) nếu âm Bass và phần mẫu âm hình đệm di chuyển theo hướng dẫn như trên mà làm cho âm Bass bị tuột xuống vào vị trí quãng cực trầm thì bạn sẽ di chuyển lên phía trước để tìm âm Bass gốc của hợp âm sau nhưng cách một quãng tám hoặc di chuyển đi lên về nốt có trong hợp âm trước để từ đó tiến gần về âm Bass của hợp âm sau.

Lưu ý 3: Các âm Bass sẽ được lặp lại giống nhau trước khi di chuyển sang một âm Bass khác.

Lưu ý 4: Không được cho âm Bass đi lên hoặc đi xuống hai lần quãng bốn hoặc hai lần quãng năm liên tiếp vì âm Bass sẽ bị chạm vào nốt giai điệu bên tay phải hoặc sẽ làm cho âm Bass ở vị trí cực trầm và bị ồn.

Lưu ý 5: Không nên cho âm Bass di chuyển đi lên hoặc đi xuống cùng chiều hai lần liên tiếp để có tổng hai quãng cộng lại thành quãng bảy hoặc quãng chín. Tuy nhiên, nếu âm Bass vẫn di chuyển hai lần nhưng trong đó lần đầu thì đi lên hoặc đi xuống còn lần sau thì ngược lại mà có tổng hai quãng thành quãng bảy hoặc quãng chín thì vẫn chấp nhận được.

Lưu ý 6: Quãng của âm Bass trong âm giai trưởng từ hợp âm này sang hợp âm kia không được ở các quãng 2#, quãng 4# và quãng 5# vì các quãng này là các quãng nghịch nên cho âm thanh căng thẳng cần được giải quyết về các quãng thuận. Thay vào đó, bạn nên sử dụng kỹ thuật đảo quãng tức là: quãng 2# được đảo quãng thành quãng 7b, quãng 4# được đảo quãng thành quãng 5b, quãng 5# được đảo quãng thành quãng 4b thì chấp nhận được.

Lưu ý 7: Mặc dù chức năng chính của âm Bass là làm nền móng và giữ nhịp cho bản nhạc nhưng đôi khi để tạo thêm sắc thái cho phần mẫu âm hình đệm, bạn cũng sẽ sử dụng một câu Bass tự soạn (hoặc còn gọi là độc tấu Bass) để đảm nhiệm cùng một lúc bốn chức năng sau đây: (i) làm bè Bass cho giai điệu; (ii) làm tiết tấu của tiết điệu ở phần mẫu âm hình đệm; (iii) nối các đoạn hay câu nhạc lại với nhau; (iv) dẫn như dẫn từ đoạn phiên khúc A vào đoạn điệp khúc B. Chú ý, câu Bass có nhiều chức năng như trên không nên ở vị trí cực trầm vì sẽ không làm nổi bật giai điệu của âm Bass. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng khi di chuyển âm Bass từ hợp âm này sang âm Bass của hợp âm tiếp theo thì phải di chuyển về nốt gốc của hợp âm sau (không được di chuyển qua các nốt khác của hợp âm sau).

Lưu ý 8: Không có cách nào trong các cách ở trên được xem là hay nhất mà sẽ tùy thuộc vào tiết điệu của bản nhạc để bạn quyết định liệu xem âm Bass nên được di chuyển như thế nào là phù hợp và hay nhất. Có một số bản nhạc ví dụ ở tiết điệu Pop thì bạn chơi các nốt bậc I của âm Bass là hay nhất vì điệu Pop cần sự mộc mạc, chân thành. Tuy nhiên, nếu đó là điệu nhạc Bolero thì bạn nên sử dụng các nốt ở bậc V để tạo sự nối kết, uyển chuyển. Bên cạnh đó, đối với các bản nhạc có chủ đề về làng quê Việt Nam có tính chất bình dị, mộc mạc nên thường bạn nên sử dụng các nốt ở bậc I, bậc V. Đối với các bản nhạc có hơi hướng âm nhạc Tây phương, bạn nên sử dụng các nốt theo dinatonic (âm giai), chromatic hay kết hợp cả hai cách đó lại với nhau.

Lưu ý 9: Cũng có khi âm Bass lại được tác giả bản nhạc cố ý không cho di chuyển về phách mạnh ví dụ như trong trường hợp nhịp dỡ, nghịch phách, đảo phách, trong một ô nhịp nào đó của bản nhạc với chủ ý của tác giả bản nhạc là muốn tạo ra một hiệu ứng gì đó theo ý đồ riêng của mình thì sau đó bạn phải tìm cách di chuyển theo bước lần về ngay âm Bass ở phách mạnh của ô nhịp sau. Lý do là vì chức năng chính của âm Bass là giữ nhịp cho bản nhạc nhưng nó lại đi lang thang rồi không tìm được lối về thì các nốt khác làm sao có thể giữ nhịp thay cho âm Bass được. Khi âm Bass không rơi đúng nhịp, tay phải của bạn phải sẽ giúp âm Bass làm chức năng giữ nhịp, hoặc nếu tay phải lại phải chơi giai điệu hoặc chạy ngón, lót câu, tô điểm tại thời điểm đó thì chân trái của bạn buộc phải đảm nhận nhiệm vụ giữ nhịp bản nhạc cho vững.

Lưu ý 10: khi giai điệu di chuyển theo chiều đi lên thì bè Bass nên di chuyển đi xuống và ngược lại.

Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin ửng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.