Hoạt Động Marketing Cho Luật Sư Và Tổ Chức Hành Nghề Luật Sư Trong Bối Cảnh Hội Nhập Quốc Tế (phần 1)

(Luật sư Nguyễn Hữu Phước)

Mục Lục

1.     Những vấn đề chung về hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 1

1.1.     Khái niệm marketing. 1

1.2.     Các loại hình marketing phổ biến hiện nay dành cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 2

1.3.     Vai trò của hoạt động marketing đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. 3

1.4.     Đặc điểm hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. 5

1.5.     Cơ hội và thách thức đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay. 7

1.5.1.     Cơ hội đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay. 7

1.5.2.     Thách thức đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay. 9

2.     Thực tiễn thực hiện hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.. 11

2.1.     Thực tiễn thực hiện hoạt động marketing của luật sư tại Việt Nam.. 12

2.2.     Thực tiễn thực hiện hoạt động marketing của tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam.. 12

2.3.     Các lỗi thường gặp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing. 13

3.     Các bộ công cụ marketing hiệu quả cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. 19

3.1.     Bộ công cụ marketing hiệu quả cho luật sư. 19

3.2.     Bộ công cụ marketing hiệu quả cho tổ chức hành nghề luật sư. 37

4.     Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp. 48

4.1.     Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp. 48

4.2.     Đề xuất về việc bổ sung kỹ năng marketing cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư vào giảng dạy trong các chương trình bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp. 49

1.           Những vấn đề chung có liên quan đến hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế

1.1.    Khái niệm về marketing

Theo Ông Philip Kotler[1], một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực marketing quốc tế, nhận định rằng “marketing là hoạt động của cá nhân, tổ chức xác định và đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua việc trao đổi hàng hóa và giá trị với nhau” hoặc có thể hiểu một cách đơn giản hơn đó chính là marketing là một trong những hình thức phổ biến và hữu hiệu nhất trong việc kết nối khách hàng với các tổ chức và cá nhân có nhu cầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ của mình. Và đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cũng không phải là một ngoại lệ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, marketing có liên quan đến việc luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tiếp cận được những vấn đề pháp lý mà khách hàng gặp phải trong hoạt động kinh doanh và giải quyết những vấn đề pháp lý đó với chất lượng dịch vụ pháp lý thuộc chuyên môn của mình một cách tốt nhất có thể. Hay nói theo một cách khác, marketing đối với nghề luật sư là một sự tổng hợp quá trình mà theo đó các luật sư sẽ áp dụng các phương thức khác nhau mà pháp luật cho phép để thu hút khách hàng, xây dựng mối quan hệ khách hàng tin cậy và bền chặt nhằm tạo ra giá trị thật sự cho khách hàng để đổi lại phí dịch vụ và sự tôn trọng mà họ mong muốn nhận được từ khách hàng.

Hoạt động marketing nói chung thường xoay quanh ba chủ thể chính đó là: (i) thị trường; (ii) sự định nghĩa về giá trị mang lại; và (iii) khách hàng[2]. Bên cạnh đó, hoạt động marketing thường diễn ra theo một quy trình đã được các chuyên gia trong lĩnh vực marketing áp dụng bao gồm năm bước[3] như sau: (i) xác định và hiểu đúng thị trường cũng như nhu cầu và mong muốn của khách hàng; (ii) thiết kế và xây dựng chiến lược cho chuỗi giá trị để định hướng nhu cầu và mong muốn của khách hàng; (iii) lập ra một chương trình marketing tích hợp mang lại giá trị vượt trội; (iv) từ đó, thu hút khách hàng, xây dựng các mối quan hệ có lợi và tạo ra sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ cung cấp; (v) sau cùng là nắm bắt giá trị từ khách hàng để tạo ra lợi nhuận và giá trị cho khách hàng.

Tính đến cuối năm 2020, các luật sư thành viên trên cả nước đã có số lượng lên đến 15.107[4] người, hầu hết tập trung hoạt động ở các thành phố lớn trực thuộc Trung ương chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, với mức độ cạnh tranh ngày càng cao thì việc áp dụng marketing trong quá trình hành nghề của các luật sư và vận hành hoạt động kinh doanh của các tổ chức hành nghề luật sư để tiếp cận đến khách hàng là thật sự cần thiết.

1.2.      Các loại hình marketing phổ biến hiện nay dành cho các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Dựa trên các loại hình truyền tải thông tin đến khách hàng, nhìn chung marketing được chia thành hai nhóm cơ bản đó là Marketing truyền thống (Traditional Marketing) và Marketing kỹ thuật số (Digital Marketing).

Marketing truyền thống được biết đến là các phương thức chủ đạo chẳng hạn như phát tờ rơi, in ấn quảng cáo, áp phích, và muôn vàn các loại hình khác mà phương thức đó đem đến các điểm chung đó là: Cách tiếp cận thường là trực tiếp đến khách hàng; Quá trình diễn ra marketing thường kéo dài và có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau; Tính chất truyền thống, quen thuộc dễ dàng nhận biết; và Cách đánh giá có độ tin cậy cao từ phía khách hàng. Bên cạnh các đặc tính nổi bật vốn có, Marketing truyền thống thường được cho là có chi phí khá đắt đỏ, khả năng đo lường thấp do những thông tin dữ liệu thu thập được tương đối ít.

Với mong muốn khắc phục các điểm chưa đạt của Marketing truyền thống, Marketing kỹ thuật số đã ra đời theo xu hướng mới và áp dụng công nghệ khoa học trên nền tảng kỹ thuật số để tạo ra sức ảnh hưởng to lớn đến thị trường. Theo đó, Marketing kỹ thuật số thường được thực hiện trên các trang điện tử, blog bài viết cá nhân, mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin. Bằng sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, các nền tảng Marketing kỹ thuật số giờ đây đã cho phép xác định được một cách chính xác thông tin của khách hàng khi tương tác, và từ đó có thể đo lường, theo sát nhu cầu, thời quen và mong muốn của từng cá nhân khách hàng.

Bên cạnh đó, ngoài việc được phân loại theo loại hình thực hiện truyền thống và kỹ thuật số, marketing còn được phân loại dựa trên cách thức tiếp cận đến thị trường và khách hàng. “Inbound marketing” được tạm gọi là Marketing hiện đại, được Brian Halligan sử dụng lần đầu vào năm 200[5], đã xác định lại thói quen và cách thức tiêu dùng, sử dụng dịch vụ của khách hàng có xu hướng chuyển đổi từ hình thức bị động sang chủ động. Theo đó, khách hàng sẽ trở nên thông thái hơn và hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ. Vì vậy, Inbound marketing được hiểu là các phương thức tiếp cận được xử lý một cách tinh tế hơn. Sự đầu tư sẽ tập trung xoáy sâu vào từng nội dung của thông điệp truyền tải, kiểm tra kỹ lưỡng nhằm dẫn dắt khách hàng một cách có hệ thống khi khách hàng mục tiêu tiếp cận đến doanh nghiệp.

Ngược lại, “Outbound marketing”, còn được tạm gọi là marketing truyền thống, theo đó thông tin được đưa đến khách hàng một cách hàng loạt và có tính chất đại trà và không có sự chọn lọc nhóm khách hàng để tiếp nhận. Tuy nhiên, việc chọn cách tiếp cận Outbound marketing lại mang đến những kết quả ngẫu nhiên và không phải tốn quá nhiều công sức để chuẩn bị. Như vậy, tùy theo mong muốn của mình mà luật sư có thể xem xét cách thức tiếp cận đến thị trường sao cho phù hợp nhất. Xu hướng hiện nay của marketing là chuyển dần từ Outbound marketing sang Inbound marketing. Phương thức Inbound marketing thường thu hút sự quan tâm của khách hàng do có sự đầu tư cả về nội dung và hình thức và do đó thường được khách hàng tự tìm đến dịch vụ của luật sư. Trong khi đối nghịch lại với cách thức thu hút sự quan tâm của khách hàng, Outbound marketing lại thường được áp dụng đối với phương thức Marketing truyền thống và trong một chừng mực nào đó có thể gây ra một số phiền phức cho khách hàng trong quá trình trải nghiệm dịch vụ nên thường được xem là cách thức Marketing gián đoạn.

Ngoài ra, còn có một cách marketing phổ biến khác mà thường được sử dụng đó là marketing thông qua người có ảnh hưởng “Influencer marketing”. Loại hình marketing này cũng mang tính hiệu quả cao bởi sức ảnh hưởng và độ tin cậy cao đối với khách hàng thông qua việc áp dụng những cá nhân, tổ chức có tính chuyên môn cao được đa số cộng đồng biết đến như là các chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực đặc thù nào đó.

1.3.      Vai trò của hoạt động marketing đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư

Là một ngành dịch vụ và cũng như tất cả những ngành dịch vụ đặc thù khác, nghề luật sư phải tuân theo quy luật cung cầu. Một luật sư, cho dù có chuyên môn tốt, kinh nghiệm dày dặn đến đâu đi chăng nữa mà không thể tiếp cận được với khách hàng thì không thể xem như là đã thành công với nghề được. Suy cho cùng, sự tiếp cận và giúp đỡ khách hàng mới chính là cốt lõi của bất cứ ngành nghề nào. May thay, quy luật cung cầu không phải là nằm ngoài tầm kiểm soát của luật sư, với những kỹ năng và phương pháp nhất định, việc tạo ra nguồn cầu dồi dào cho bản thân hay tổ chức cũng như tiếp cận khách hàng là hoàn toàn trong khả năng của luật sư. Những kỹ năng, phương pháp này có thể được gọi chung là hoạt động marketing.

Marketing không còn là một khái niệm xa lạ với bất kỳ ai. Vai trò của marketing trong bất kỳ ngành nghề nào đều được xem là không thể phủ nhận. Một trong những khía cạnh mang tính chiến lược nhất của marketing chính là xây dựng, duy trì danh tiếng và sức ảnh hưởng. Trên quy mô thị trường, một chiến lược marketing hiệu quả có thể giúp hình thành một “danh tính” độc nhất để cho khách hàng có thể dể dàng nhận diện được luật sư. Từ đó, tạo tiền đề để luật sư có thể tiếp cận khách hàng và giúp thương hiệu của mình trở nên phổ biến hơn. Sau một khoảng thời gian hoạt động, danh tiếng của luật sư không chỉ có thể trở thành sức ảnh hưởng trên thị trường mà còn là giá trị của thương hiệu khi khách hàng nghĩ đến và lựa chọn sử dụng dịch vụ pháp lý của tổ chức nghề luật sư.

Như đã được trình bày tại phần khái niệm marketing, một trong các chức năng của marketing đó là thu hút những khách hàng mới tiềm năng và tạo dựng được một nhóm khách hàng thân thiết để từ đó có thể tạo ra nguồn cung, giúp cho nghề luật sư được ổn định. Lợi ích đầu tiên mà marketing đem lại chính là nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng. Khách hàng là người có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư để hoàn thành các mục đích cá nhân riêng của họ. Để đánh giá liệu xem một cá nhân hay tổ chức nào đó có thể thực hiện được yêu cầu của khách hàng hay không thì khách hàng cần phải tiếp cận được những thông tin về cá nhân, tổ chức đó. Như vậy, ai có thể cung cấp cho khách hàng những thông tin đó một cách đầy đủ và nhanh chóng nhất sẽ là người có khả năng cao nhất trong việc chiếm được niềm tin ban đầu của khách hàng. Một chiến lược marketing hiệu quả lại càng quan trọng hơn trong việc tối đa hóa phạm vi tiếp cận khách hàng. Tất nhiên, marketing chỉ là chiếc cấu nối từ người cung cấp dịch vụ đến với khách hàng mà thôi. Việc duy trì và cải thiện “cây cầu” đó hoàn toàn nằm ở khả năng và độ chuyên nghiệp của từng luật sư. Bên cạnh đó, nếu marketing hiệu quả và thu hút được nhiều khách hàng thì chính những khách hàng đó sẽ trở thành những “nhân viên” marketing gian tiếp thông qua việc họ sẽ giới thiệu dịch vụ pháp lý của luật sư cho những người quen, gia đình, bạn bè, khách hàng của họ. Như vậy, ta có thể thấy rằng một chiến dịch marketing tốt sẽ được xem là một trong những chiến lược trong việc phát triển nghề nghiệp của luật sư.

Ngoài việc tạo dựng danh tiếng và thu hút khách hàng, marketing còn có thể nâng cao vị thế cạnh tranh của cá nhân, tổ chứctrên thị trường. Phạm vi marketing càng rộng thì ảnh hưởng của cá nhân, tổ chức đó càng lớn trên thị trường pháp lý. Từ đó, hình ảnh của luật sư trong mắt của khách hàng cũng như các đối thủ cạnh tranh của luật sư sẽ trở nên rõ ràng hơn mà từ đó cho phép luật sư có thể tác động lên thị trường. Đây sẽ là cơ sở để có thể tạo dựng một chỗ đứng của luật sư trên thị trường, nó còn có thể định danh tên của cá nhân hay tổ chức thành các cụm từ thông dụng gắn liền với sản phẩm, dịch vụ của cá nhân hay tổ chức đó. Ví dụ trong thực tế của việc tạo dựng ảnh hưởng có thể được tìm thấy ở khắp mọi ngành nghề trong xã hội: nói đến đồ uống giải khát, không ai là không biết đến Coca Cola, Pepsi, điện thoại thông minh thì có Apple, ô tô thì có Mercedes… Tất cả những doanh nghiệp này đều chi ra một khoản tiền không nhỏ vào các chiến dịch marketing, quảng cáo mỗi năm, chẳng hạn như trong năm 2019, Coca Cola đã chi ra 4,25 tỷ $ phục vụ cho chi phí quảng cáo[6]. Một công ty với danh tiếng toàn cầu mà gần như mọi người trên trái đất đều biết đến vẫn phải chi hàng tỷ đô la mỗi năm cho hoạt động marketing. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tầm quan trọng của marketing, bởi vì không chỉ nằm ở việc tạo dựng hình ảnh của sản phẩm, doanh nghiệp mà còn cả đến việc duy trì những hình ảnh đó.

Ngoài những vai trò trên, marketing cũng có những vai trò quan trọng khác trong việc vận hành nội bộ của các tổ chức hành nghề luật sư. Trong đó phải kể đến việc thu hút được nguồn nhân lực có năng lực. Một cá nhân khi lựa chọn nơi làm việc cũng như một khách hàng lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ. Người lao động cũng cần thông tin về người sử dụng lao động để đưa ra quyết định nghề nghiệp và marketing chính là phương thức hữu hiệu nhất để doanh nghiệp có thể cung cấp cho người lao động những thông tin hữu ích về doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, marketing còn có thể giúp luật sư trong việc xác định được xu hướng của thời đại và có những bước đi đúng đắn nhằm duy trì, phát triển và mở rộng phạm vi công việc của mình.

Qua những phân tích được nêu ở trên, ta có thể thấy được vai trò của marketing trong kinh doanh nói chung và đối với nghề luật sư nói riêng là rất lớn. Có lẽ sẽ không có gì là phóng đại khi nói rằng hiện nay, sự sống còn và phát triển của ngành dịch vụ pháp lý phần lớn nằm ở khả năng tiếp cận khách hàng thông qua các hình thức marketing.

1.4.      Đặc điểm hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư

Để xem xét đặc điểm của hoạt động marketing đối với nghề luật sư, chúng ta cần phải nắm rõ tôn chỉ hoạt động của nghề luật sư, với tinh thần chung là thượng tôn pháp luật và bảo vệ Nhà nước pháp quyền. Khác với những ngành, nghề dịch vụ khác, nghề luật sư còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề luật sư được Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, trong đó lưu ý đến việc khi áp dụng cách để thu hút khách hàng, luật sư cần phải cân nhắc đến một số quy tắc mà luật sư không được làm trong mối quan hệ với khách hàng[7] cũng như một số quy tắc trong việc cung cấp các thông tin, truyền thông và quảng cáo[8]. Như vậy trong hoạt động marketing, mặc dù vẫn áp dụng cơ chế tự do nhưng phải nằm trong một khuông khổ nhất định, luật sư cần phải thông hiểu các quy chế nội bộ của nghề luật sư. Sau đây là những đặc điểm cơ bản trong hoạt động marketing của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư:

  • Xây dựng lòng tin đối với khách hàng: nếu trước đây việc xây dựng thương hiệu đơn thuần là định vị vị trí của thương hiệu trên biểu đồ vị trí thương hiệu trên thị trường để tìm ra giá trị khác biệt, thì giờ đây, việc làm rõ giá trị đó phải phù hợp với giá trị mong muốn, nhu cầu của khách hàng; đặc tính riêng của dịch vụ pháp lý của Luật sư A và của Luật sư B; hoặc ngay cả những quy tắc riêng biệt, định nghĩa về văn hóa của từng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cũng cần được định hình. Ví dụ như đối với Luật sư P thì giá trị cốt lõi là Lòng trung thành, Sự chuyên nghiệp và Hiệu quả cao[9]; trong khi đó Luật sư G lại cho rằng tất cả là vì khách hàng. Từ đó, dựa trên cách xác định được giá trị của từng luật sư trong việc xây dựng, cách cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng là hoàn toàn khác nhau.
  • Chủ động và tích cực trong việc giao lưu trao đổi chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn: hàng năm các luật sư với kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực thường tham gia vào các hoạt động sự kiện mà theo đó họ được nhận ở các sự kiện đó không chỉ là những giá trị về vật chất “Cát xê” cho mỗi buổi giao lưu chia sẻ[10] mà còn là những giá trị trong việc kết nối, chia sẻ những khó khăn, những cơ hội làm việc, những kinh nghiệm, hỗ trợ quý giá trong suốt quá trình hành nghề, từ đó đã gián tiếp marketing cho việc xây dựng hình ảnh cho tổ chức, cá nhân hành nghề luật.
  • Áp dụng các công cụ marketing kỹ thuật số một cách linh hoạt và phù hợp: khoa học xã hội phát triển đem lại muôn vàng các lợi ích trong cuộc sống từ kết nối trực tuyến thông qua việc họp trực tuyến, điện toán đám mây chia sẽ dữ liệu lớn, kết nối làm việc ở khắp mọi nơi, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhanh chóng. Tại Việt Nam, việc vận dụng hình thức marketing mới đối với lĩnh vực hành nghề luật sư không những phải tuân thủ tôn chỉ như đã nêu ở trên mà còn phải hết sức cân nhắc vận dụng chẳng hạn như không chọn lọc từ màu sắc, phông chữ quảng cáo, đến hình ảnh có thể đem đến sự thiếu chuyên nghiệp và nhận định sai đối với lĩnh vực chuyên môn mà tổ chức hành nghề luật sư đang thực hiện. Ví dụ, đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình có liên quan đến ly hôn, thì việc chọn lựa các hình ảnh quá sát với thực tế có thể dễ dàng gây phản cảm cho khách hàng hoặc như việc lựa chọn qua loa các hình ảnh biếm họa hoạt hình mà không có sự chọn lọc hình ảnh có thể dẫn đến việc gây hiểu lầm trong việc thiếu tôn trọng đối với khách hàng.
  • Tôn trọng khách hàng: với phương châm “khách hàng là thương đế”, vì lẽ đó, từ những thông điệp, bài quảng cáo hay các ẩn phẩm gửi định kỳ, thường xuyên cho khách hàng cũng phải đảm bảo về hình thức và chất lượng nội dung. Bên cạnh việc mang lại một giá trị nhất định cho khách hàng thì cũng cần phải lưu ý đến các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc vi phạm các quy định về thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ[11].

1.5.      Cơ hội và thách thức đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay

Thế giới kỹ thuật số đang phát triển với một tốc độ không tưởng, Internet chỉ mới ra đời được hơn 20 năm nhưng đã làm thay đổi mọi mặt đời sống của con người đến mức thời đại hiện tại còn được gọi là “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Sự thay đổi chóng mặt này đem lại nhiều cơ hội cho luật sư trong việc quảng bá hình ảnh của mình. Tuy nhiên, do đây là “vùng đất mới” còn đang được khám phá, nhiều rủi ro và thách thức vẫn đang tiềm tàng. Do đó, luật sư và các tổ chức hàng nghề luật sư cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đem lại lợi thế cho mình nhưng đồng thời cũng phải cẩn thận trong việc hạn chế các rủi ro và vượt qua thách thức trong thời buổi hiện nay.

1.5.1.     Cơ hội đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay

Một trong những xu hướng quan trọng nhất hiện nay chính là xu hướng toàn cầu hóa. Với việc ký kết các điều ước quốc tế, hiệp định  tự do thương mại cũng như sự phát triển của công nghệ thông tin và di chuyển, các quốc gia đã trở nên gần nhau hơn bao giờ hết và cùng hướng tới nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, thị trường của một ngành nghề không còn bị giới hạn bởi biên giới quốc gia nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mà còn mở rộng ra tầm quốc tế. Chính vì thị trường giờ đây đã mở rộng qua biên giới sang các quốc gia khác, marketing đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Một cửa hàng có thể thu hút được khách hàng địa phương với một tấm biển hiệu đơn giản nhưng khi cửa hàng đó muốn bán hàng cho người tiêu dùng cách xa cửa hàng đến hàng ngàn cây số thì chủ cửa hàng bắt buộc phải có phương thức quảng cáo hữu hiệu hơn. Cơ hội marketing trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay là rất lớn và do đó nếu có được chiến lược marketing trúng đích và hiệu quả, luật sư có thể mở rộng danh mục khách hàng của mình ra tầm quốc tế, từ đó mở rộng phạm vi hoạt động, phát triển quy mô và xây dựng thương hiệu quốc tế.

Đi cùng với toàn cầu hóa là sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới đem lại nhiều cơ hội tiềm năng cho marketing. Đầu tiên phải kể đến là các trang mạng xã hội. Cho dù mới hình thành được trên dưới 10 năm, nhưng những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…đã trở thành những “gã” khổng lồ được định giá đến hàng trăm tỷ đô la trong giới công nghệ. Sự phát triển của mạng xã hội là một xu hướng không thể đảo ngược trong thế giới hiện nay. Lấy Facebook làm ví dụ, vào quý 2 năm 2020, Facebook có hơn 2,7 tỷ người dùng đang hoạt động[12], tức là cứ 3 người trên trái đất thì 1 người có tài khoản trên mạng xã hội này. Đây là một phạm vi bao phủ vô cùng lớn mà tất cả các doanh nghiệp đều muốn tiếp cận, luật sư cũng không phải là ngoại lệ. Phạm vi marketing của mạng xã hội cho phép luật sư tiếp cận nhiều nhóm đối tượng tiềm năng hơn so với phương thức marketing truyền thống. Diễn thuyết, tham gia hội thảo, viết sách…thường chỉ giúp luật sư tiếp cận được những đối tượng có kiến thức hoặc hứng thú với pháp luật, đây là một nhóm đối tượng thiểu số trong xã hội khiến cho việc marketing của luật sư không đến được với những đối tượng là khách hàng phổ thông. Tuy nhiên, với mạng xã hội, ta có thể tiếp cận được tất cả mọi nhóm đối tượng trong xã hội, từ đó mở rộng phạm vi quảng bá và tăng khả năng phát hiện những khách hàng tiềm năng. Không những thế, mạng xã hội cũng cung cấp cho luật sư những thông tin cần thiết để tối ưu hóa các hình thức marketing chẳng hạn như dữ liệu quảng cáo, lượt người truy cập, thông tin người dùng…Sử dụng mạng xã hội đem lại nhiều lợi thế cho luật sư và ngược lại, nếu không sử dụng mạng xã hội thì luật sư sẽ bị xem như là không chịu cập nhật, lỗi thời, không bắt kịp xu hướng củathời đại…gián tiếp làm ảnh hưởng đến hình ảnh của luật sư trong mắt của khách hàng. Chính vì vậy, việc nắm bắt và tận dụng các phương tiện công nghệ thông tin mới, điển hình là mạng xã hội, sẽ đem lại rất nhiều cơ hội phát triển chưa từng có đối với luật sư.

Ngoài ra, trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay, không chỉ có khách hàng mới có thể tiếp cận được với các thông tin của luật sư mà luật sư cũng có thể tiếp cận các thông tin của khách hàng. Internet và mạng xã hội cho phép luật thư có thể dễ dàng thu thập các thông tin có liên quan đến khách hàng một cách hợp pháp để từ đó đáp ứng nhu cầu cả họ một cách đầy đủ và chính xác hơn. Bên cạnh đó, luật sư còn có thể tiếp cận được các thông tin về xu hướng, sự quan tâm và nhu cầu của từng nhóm khách hàng khác nhau, để từ đó có thể bám sát và đưa ra hướng tiếp thụ đúng đắn, đón đầu xu thế, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, khách hàng. Hơn thế nữa, marketing qua mạng xã hội lại rất đơn giản, nhanh chóng và đôi khi còn tiết kiệm được khá nhiều chi phí nếu so với các phương thức marketing truyền thống phổ biến khác. Đây cũng là một yếu tố cần phải được xem xét nghiêm túc khi lựa chọn cách thức quảng cáo cho luật sư.

Qua những phân tích được nêu ở trên, ta có thể nhận thấy rằng marketing trong giai đoạn hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với mới  cách đây 20 năm. Những tiến bộ công nghệ đã cho ra đời những phương tiện truyền thông mới với phạm vi bao phủ toàn cầu tạo cơ sở để luật sư tại Việt Nam có thể vươn mình ra thị trường quốc tế. Giờ đây, luật sư có thể tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới gần như ngay lập tức. Tiềm năng của marketing trong giai đoạn hiện nay có thể nói là vô tận. Xu thế này không thể bị đảo ngược và sẽ bỏ lại những ai không chịu thay đổi, hội nhập.  Chính vì vậy, những cơ hội do toàn cầu hóa và công nghệ đem lại là rất lớn và không thể bỏ qua đối với những cá nhân, tổ chức muốn phát triển tên tuổi, xây dựng thương hiệu không chỉ tại sân nhà mà con trên sân chơi quốc tế.

1.5.2.     Thách thức đối với luật sư và tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện hoạt động marketing trong bối cảnh hiện nay

Cơ hội thường đến từ những điều mới mẻ, chưa được khám phá, và thách thức cũng tương tự như vậy. Bộ đôi này thường đi cùng với nhau. Chính vì vậy, trước khi nắm bắt được cơ hội phát triển, cá nhân luật sư cũng như tổ chức hành nghề luật sư cũng cần phải hiểu rõ được những thách thức đi kèm với cơ hội để tránh trường hợp “thiệt nhiều hơn lợi”.

Những lợi thế, cơ hội kể trên của marketing trong giai đoạn hiện nay không phải là độc quyền của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Và cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, bởi lẽ công nghệ thông tin phát triển mang luật sư đến gần hơn với khách hàng nhưng thật sự là bất kỳ luật sư nào cũng có thể tiếp cận lợi thế đó để phát triển. Để thực sự có được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh, luật sư phải trở nên khác biệt để có thể phân biệt bản thân với những luật sư đồng nghiệp khác và trở nên nổi bật trên thị trường pháp lý. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới không ngừng để đáp ứng với nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường. Thử thách này sẽ rất khó khăn cho luật sư. Khi thị trường mở rộng, lượng khách hàng tiềm năng tăng lên, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành nghề cũng tăng lên theo. Nguy hiểm hơn nữa đó là những đối thủ cạnh tranh mới đến từ nước ngoài, họ sẽ có nhiều kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hội nhập quốc tế, có tiềm lực kinh tế, có điều kiện mở rộng phát triển hơn những luật sư Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, trong đó Việt Nam mới chỉ mở cửa với thế giới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Điều này khiến cho luật sư Việt Nam còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong hội nhập quốc tế. Để bắt kịp với các nước khác, các tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam cần phải nhanh chóng cập nhật, học hỏi và cải tiến các phương thức marketing hiện tại hướng tới đón đầu xu thế tương lai. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác toàn diện và điều chỉnh đúng đắn đến từ cả khu vực công và khu vực tư.

Ngoài thách thức từ sự cạnh tranh từ những đồng nghiệp đối thủ nước ngoài, Luật sư Việt Nam còn phải đối mặt với việc ứng dụng công nghệ thông tin khi thực hiện hoạt động marketing của mình. Công nghệ thông tin đang phát triển từng ngày, từng giờ trong khi những nhân lực mà có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu công nghệ hiện nay còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, những người lao động của thế hệ trước sẽ khó có thể thích nghi với những loại thiết bị, phương tiện rất phổ biến mới như hiện nay chẳng hạn như máy tính bảng, điện thoại thông minh…. Trong một số trường hợp, họ còn không tin tưởng áp dụng công nghệ mới do chưa hiểu được tiềm năng to lớn của chúng. Những yếu tố này kết hợp lại khiến cho việc áp dụng và tận dụng triệt để những công nghệ thông tin hiện đại trong marketing trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, cũng không thể chắc chắn rằng mọi hoạt động marketing mà luật sư thực hiện đều sẽ thành công. Trong nhiều trường hợp, việc xảy ra lỗi, khung hoảng là điều có thể khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với trong quá khứ khi mà tốc độ thông tin lan truyền còn nhiều hạn chế và có tính cục bộ, trong thời buổi kỹ thuật số như hiện nay, mọi thứ đều có thể lan truyền với tốc độ khó lường và gần như không thể kiểm soát được. Một lần tư vấn sai lầm có thể được hàng triệu người biết đến chỉ trong vài giờ đồng hồ và cùng với đó là việc đánh mất hàng ngàn khách hàng tiềm năng. Hơn nữa, hiện nay, có hàng trăm luồng quan điểm khác nhau cùng tồn tại trên mạng Internet và vì vậy, chỉ những phát ngôn đơn giản nhất cũng có thể trở thành đề tài tranh cãi khiến cho hình ảnh của luật sư ít nhiều bị ảnh hưởng. Có thể ví mạng Internet hiện nay như một “bãi mìn”, chỉ cần những hành động, lời nói nhỏ nhất cũng có thể “san phẳng” danh tiếng, thương hiệu của một luật sư đã xây dựng trong nhiều năm trời. Để có thể phát triển được trong môi trường này, luật sư cần phải luôn cẩn trọng đối với mọi hoạt động để có thể duy trì hình ảnh của mình trong mắt khách hàng.

Ngoài những thách thức đến từ bên ngoài, bản chất của cách thức truyền thông hiện nay cũng tạo không ít khó khăn cho luật sư mà do đó mà luật sư cần phải chú ý. Khi luật sư công khai thông tin về bản thân với phạm vi bao phủ ngày càng rộng lớn, số lượng khách hàng mà luật sư có thể tiếp cận có thể tăng lên nhưng đồng thời, những đối thủ cạnh tranh của luật sư cũng có thể có được những thông tin đó. Việc bảo mật thông tin trong thời đại số đang trở nên ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Những thông tin công khai, sử dụng vào mục đích marketing cần phải được chọn lọc một cách kỹ càng để tránh những rủi ro cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Tổng hợp lại những nhận định được nêu ở trên, ta có thể nhận thấy rằng marketing trong thời đại hiện nay tồn tại khá nhiều rủi ro thách thức cũng như cơ hội. Để có thể nắm bắt được cơ hội và giảm thiểu rủi ro, luật sư cần phải hiểu được bản chất của cả hai khía cạnh, từ đó, phát triển những phương pháp, mô hình marketing phù hợp với xu thế hiện đại. Trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, đổi mới và thích ứng là con đường duy nhất, những cá nhân, tổ chức nào không theo kịp được thời đại sẽ dần dần bị thời đại bỏ lại phía sau.


[1] Philip Kotler, Giáo sư xuất sắc của S.C. Johnson & Son về Tiếp thị Quốc tế tại Trường Quản lý Kellogg, Đại học Northwestern, được nhiều người coi là Cha đẻ của Tiếp thị Hiện đại. Ông được Wall Street Journal xếp hạng là một trong sáu nhà tư tưởng kinh doanh có ảnh hưởng nhất. Ông là người nhận được nhiều giải thưởng và bằng danh dự từ các trường trên toàn thế giới, ông có bằng Thạc sĩ của Đại học Chicago và bằng Tiến sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cả về kinh tế. Philip có một sự hiện diện quốc tế đáng kinh ngạc — sách của ông đã được dịch sang khoảng 25 thứ tiếng và ông thường xuyên nói chuyện trên mạng quốc tế. – tìm đọc thêm: Tiếp thị 4.0 chuyển từ truyền thống sang kỹ thuật số của Philip Kotler, Hermawan Kartajaya, Iwan Setiawan.

[2] Ở đây, tác giả dùng là khách hàng nhưng một số bài viết học thuật nhắm đến người tiêu dùng. Để áp dụng được một cách có hiệu quả đối với marketing thì Luật sư cần hiểu rõ khách hàng và người tiêu dùng – https://crmviet.vn/customer-and-client/

[3] Quyển sách “Principles of Marketing” – Kotler. P, Armstrong. G và Opresnik. M.O, trang 30

[4] Trong báo cáo tại Hội nghị Tổng kết tổ chức hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động Năm 2021 đối với lĩnh vực luật sự.

[5] Inbound Marketing: Get Found Using Google, Social Media, and Blogs – Brian Halligan, Dharmesh Shah 2009 được xuất bản bởi John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, New Jersey tại Canada.

[6] https://www.statista.com/statistics/286526/coca-cola-advertising-spending-worldwide/

[7] Quy tắc 9 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam 2019

[8] Quy tắc 31 và 32 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam 2019

[9] https://phuoc-partner.com/our-core-values/

[10] https://vnhr.vn/topic/about-VNHR

[11] Điều 32 Nghị định 91/2020/NĐ-CP về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác

[12] https://www.statista.com/statistics/264810/number-of-monthly-active-facebook-users-worldwide/#:~:text=How%20many%20users%20does%20Facebook,network%20ever%20to%20do%20so.