Có một bộ phận rất quan trọng trên đàn piano mà không có sự hiện diện của nó, bạn sẽ không thể nghe được tiếng đàn du dương, mềm mại, truyền cảm và có chiều sâu của đàn piano, đó là ba cái pedal nằm ở phía dưới chân của bàn phím. Nói chung, chức năng chính của pedal là hỗ trợ âm thanh giúp tiếng đàn piano của bạn phát ra được mềm mại, du dương và hoàn hảo hơn.
Trên bản nhạc, ký hiệu Ped tức là Pedale cho biết bạn phải dậm pedal và ký hiệu * cho biết bạn phải nhả pedal. Pedal bên trái được gọi là Soft Pedal và chức năng chính của nó khi bạn chơi âm Bass trầm là bạn vẫn sẽ nghe được tiếng vang dài tương tự như khi bạn đạp pedal bên phải nhưng các nốt kế tiếp theo sau âm Bass của hợp âm bên trái không vang như âm Bass nữa và như vậy bạn sẽ sử dụng kỹ thuật staccato nhưng vẫn đảm bảo được độ ngân dài của âm Bass mà bạn được yêu cầu phải xử lý như vậy trong một số tác phẩm âm nhạc.
Thật ra, nếu là người mới tập đàn piano thì ngay từ đầu bạn không cần quan tâm nhiều đến pedal bên trái vì nó chưa thật sự cần thiết đối với bạn vào lúc đó. Còn đối với pedal giữa, chúng chủ yếu chỉ được dùngkhi bạn cần tập đàn piano mà không muốn tiếng đàn của bạn làm phiền những người xung quanh hoặc khi bạn phải tập đàn piano vào ban đêm trong lúc mọi người đang ngủ. Khi đạp pedal giữa và lảy sang bên trái, tiếng đàn của bạn sẽ bị giảm tiếng vang hơn phân nữa. Pedal bên phải được gọi là pedal vang âm và chúng thường được sử dụng nhất khi chơi đàn piano. Khi bạn đạp và giữ pedal bên phải, âm thanh của tiếng đàn sẽ được tách ra khỏi dây đàn làm cho dây đàn rung lên trong một khoảng thời gian dài và cho âm thanh ngân vang ngay cả khi bạn đã nhấc ngón tay mình ra khỏi phím đàn. Do đó, pedal tay phải rất phù hợp khi bạn chơi các bản nhạc có tính chất tình cảm, lãng mạn, du dương, cần sử dụng kỹ thuật legato để giúp giai điệu và hợp âm của phần mẫu âm hình đệm hòa quyện với nhau và vang xa.
Nếu là người mới học đàn piano, bạn cần biết cách sử dụng pedal bên phải trước khi tìm hiểu đến cách sử dụng của hai pedal còn lại. Có thể nói, pedal bên phải được sử dụng rất hiệu quả khi bạn chơi các nốt có trong cùng một hợp âm (ví dụ khi bạn chạy ngón, appe), hoặc khi bạn phải chơi các nốt hoa mỹ ví dụ như các dấu luyến mà cần làm sao để âm thanh của tiếng đàn phát ra phải thật mượt mà, mềm mại, v.v… nên đòi hỏi bạn phải có một quá trình luyện tập công phu, bạn cần tập cách sử dụng pedal bên phải cho thuần thục, nhuần nhuyễn và tự nhiên để tạo thành phản xạ nhằm đạt được kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên, dù pedal bên phải có công năng tuyệt vời như vậy nhưng nếu sử dụng sai chức năng hoặc nếu bạn là người mới học đàn piano và lực bấm ngón tay của bạn còn yếu nhưng lại tận dụng chúng như là một cách để khuếch đại âm thanh cho tiếng đàn được vang to và liền tiếng thì vô hình trung bạn đã làm cho âm thanh của các nốt bị nhòe đi hay còn được gọi là bị “tạp”, “bẩn”, và sẽ làm cho người nghe khó phân biệt được âm thanh của các nốt một cách rõ ràng, đặc biệt là các nốt ở các quãng hai có cao độ gần nhau chỉ từ nửa cung đến một cung. Hoặc khi di chuyển từ một hợp âm này sang một hợp âm khác, nếu bạn vẫn tiếp tục giữ pedal bên phải thì các nốt của hợp âm trước và các nốt của hợp âm sau sẽ hòa trộn vào nhau, tạo nên một sự hòa thanh mới mà hòa thanh đó không phải là của hợp âm trước và cũng không phải là của hợp âm sau và sẽ khó nghe.
Cái khó của người mới học đàn piano như bạn là nếu cứ dùng chân giữ pedal bên phải quá lâu thì tiếng đàn phát ra sẽ bị vang rền do các nốt bị hoà trộn vào nhau kéo dài, nhưng nếu không đạp và giữ pedal bên phải thì tiếng đàn của bạn nghe có vẻ rời rạc, không mềm mại và có chiều sâu. Do đó, nói một cách ngắn gọn rằng pedal bên phải giúp bạn sáng tạo, tạo ra một thứ âm nhạc có chất lượng tốt hơn nhưng lại đòi hỏi bạn sự luyện tập sao cho phù hợp, bạn sẽ phải không ngừng học hỏi, khám khá những kỹ thuật piano mới để đạt được hiệu quả tốt nhất trong khả năng của mình. Trong quá trình tập đàn piano, bạn cũng nên lắng nghe hiệu quả của những âm thanh do chính bạn sử dụng pedal bên phải tạo ra để từ đó rút kinh nghiệm cho việc sử dụng pedal một cách hiệu quả nhất, bạn có thể quay video một đoạn nhạc nào đó mà bạn đang tập để nghe thử xem hiểu quả của nó như thế nào để từ đó sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp.
Để tập được kỹ thuật đạp pedal bên phải, bạn cần tập trung vào ba vấn đề chính sau đây: (1) Xác định đúng thời điểm bạn cần đạp pedal; (2) Nên đạp pedal sâu hay lơi; và (3) Khi nào thì bạn nên sử dụng pedal và khi nào thì không.
- Về điểm (1) – Xác định đúng thời điểm cần đạp pedal bên phải: Nếu bạn là người mới tập đàn piano, vì tứ chi của bạn chưa thể làm việc một cách độc lập mà thường hoạt động theo cặp, tức là chân phải sẽ có quán tính cử động theo sự cử động của tay phải và tương tự như vậy chân trái sẽ cử động theo sự cử động của tay trái. Do đó, ban đầu bạn thường được giáo viên hướng dẫn rằng khi âm Bass của hợp âm bên tay trái và nốt giai điệu bên tay phải rơi vào các phách mạnh ở đầu của các ô nhịp thì bạn sẽ nhấc pedal bên phải lên rồi đạp và giữ ngay pedal bên phải tại thời điểm đó để hai tay và hai chân của bạn sẽ phối hợp với nhau dễ dàng. Cách này sẽ tạm được chấp nhận khi bạn mới học đàn piano vì khi đạp pedal bên phải như thế thì sẽ có một đoạn ngắn trường canh đáng kể của ô nhịp của hợp âm trước bị mất độ vang của hợp âm trước vì tại thời điểm đó chân phải đã được nhấc lên để lấy đà đạp vào pedal bên phải ở phách mạnh kế tiếp. Tuy nhiên, sau một thời gian luyện tập thành thục và khi dần dần làm chủ, độc lập được tứ chi, vững vàng hơn về nhịp thì bạn nên bắt đầu tập đạp pedal bên phải theo kiểu đạp “lỗi nhịp”, tức là pedal bên phải sẽ được bạn nhấc lên vừa ngay tại đầu phách mạnh ô nhịp của hợp âm sau và ngay lập tức bạn sẽ đạp pedal xuống sau khi hợp âm sau vừa được chơi xong. Cách này giúp giảm thiểu được việc sẽ có một đoạn khá ngắn của ô nhịp của hợp âm trước không bị mất độ vang hoặc nếu có mất độ vang đi chăng nữa thì cũng không đáng kể mà làm ảnh hưởng đến độ vang của hợp âm sau. Bên cạnh đó, đối với các bản nhạc có tiết tấu nhanh cần chơi theo kiểu chồng hợp âm hay nếu phần mẫu âm hình đệm bị lùi về phía tay trái nhiều quá, nếu bạn đạp pedal bên phải vào phách mạnh rồi lại nhấc pedal lên chờ lấy đà để tiếp tục đạp vào pedal khi di chuyển vào phách mạnh kế tiếp thì âm thanh sẽ sẽ bị rền. Trong trường hợp đó, bạn nên đạp pedal bên phải ở phách mạnh rồi nhấc pedal lên ngay để không bị ồn rồi chờ cho đến phách mạnh kế tiếp thì lại lấy đà rồi tiếp tục đạp vào pedal bên phải;
- Về điểm (2) – Nên đạp pedal bên phải sâu hoặc lơi? Việc đạp pedal sâu hay lơi sẽ tùy thuộc chủ yếu vào việc trong một ô nhịp nào đó của bản nhạc có nhiều hợp âm hay không. Nếu ô nhịp đó chỉ có một hợp âm duy nhất, bạn nên đạp pedal bên phải sâu và giữ lại ở đó cho đến hết trường canh của ô nhịp. Tuy nhiên, nếu trong ô nhịp đó lại có từ hai hợp âm trở lên thì bạn nên đạp pedal bên phải lơi đi một chút vì khi đạp lơi như vậy, chân phải mới có đủ thời gian nhấc lên và lại đạp xuống pedal bên phải vào đầu của hợp âm kế tiếp. Cũng có trường hợp, dù trong một ô nhịp nào đó chỉ có một hợp âm nhưng bạn vẫn phải đạp lơi, đó là khi theo ý đồ nào đó của tác giả bản nhạc có liên quan đến nội dung ca từ của bản nhạc chẳng hạn; và
- Về điểm (3) – Khi nào bạn sử dụng pedal bên phải và khi nào thì không: pedal bên phải thường được sử dụng cho các bản nhạc có sử dụng kỹ thuật legato, đó thường là các bản nhạc buồn, tình cảm, lãng mạn, du dương. Đối với những bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật non-legato thì bạn vẫn có thể sử dụng pedal bên phảinhưng ởmột mức độ chừng mực. Riêng đối với các bản nhạc hoặc một đoạn nhạc nào đó trong bản nhạc mà bạn buộc phải sử dụng kỹ thuật staccato để tạo độ nẩy thì tạm thời không nên dùng đến pedal bên phải.
Tóm lại, việc sử dụng pedal nói chung và pedal bên phải nói riêng của đàn piano sẽ giúp bạn sáng tạo bản nhạc theo những cách mà bạn mong muốn vì nó góp phần không nhỏ trong việc làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của bản nhạc. Bên cạnh đó, việc sử dụng pedal cũng phụ thuộc một phần vào không gian nơi bạn chơi đàn (đó là trong phòng hòa nhạc, nhà riêng hoặc ngoài trời, v.v…), tính chất của bản nhạc (bản nhạc vui hoặc buồn, hoành tráng hay lãng mạn, v.v…) và thậm chí là phụ thuộc vào từng loại đàn piano (đàn hiệu Steinway & Son, Yamaha, Kawai, v.v…) hoặc còn hơn thế nữa đó là đến từng cây đàn piano cùng loại (cũ hoặc mới). Bạn phải không ngừng học hỏi để đạt được hiệu quả tốt nhất trong khả năng cho phép. Ngoài việc cố gắng luyện tập, khi tập đạp pedal, bạn cần tìm hiểu để khám phá những kỹ thuật đạp pedal mới mà ứng dụng phù hợp cho chính mình. Từng pedal và từng cây đàn piano đều có những đặc tính riêng, có những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng âm thanh của tiếng đàn khi sử dụng chúng nên bạn cần dành thời gian tìm tòi, khám khá, trải nghiệm những khác biệt giữa chúng nhằm khắc phục những nhược điểm và phát huy những ưu điểm để việc học chơi đàn piano của bạn đạt được kết quả như mong muốn.
Bài viết này của tôi được viết trên cơ sở dựa vào những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được học cũng như những kinh nghiệm tập chơi đàn piano trong nhiều năm qua. Nếu bạn thấy những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc học đàn piano của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục loại nhạc cụ khó tính này nhé. Xin chào bạn.