Nghề luật sư có những mặt trái nào?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

………………..

Như đã trình bày ở trên, không thể phủ nhận luật sư là một nghề cao quý, luôn được cộng đồng và xã hội trọng vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, nghề luật sư cũng giống như bao ngành nghề khác, tất cả đều có mặt trái của nó. Nếu bạn đang học tại trường đại học hoặc đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa từng làm việc cho bất kỳ công ty luật nào, hy vọng rằng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có được suy nghĩ chín chắn hơn trước khi lựa chọn con đường trở thành một luật sư chuyên nghiệp.

 Làm việc dài thời gian và không có giờ giấc cố định

Nếu bạn hy vọng tìm được công việc có liên quan đến nghề luật sư với giờ giấc làm việc cố định, rất tiếc phải nói rằng nghề luật sư không phải là nghề có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn. Do tính chất đặc thù của nghề này, công việc của luật sư có thể phát sinh vào bất kỳ lúc nào tùy theo yêu cầu của khách hàng tại từng thời điểm, vì vậy luật sư sẽ không thể có được một khung giờ làm việc cố định hàng ngày. Rõ ràng, luật sư sẽ không thể yêu cầu khách hàng, đặc biệt là những khách hàng ở nước ngoài có múi giờ khác với múi giờ của Việt Nam, liên lạc làm việc với họ vào khung giờ làm việc hành chính của Việt Nam như những ngành nghề khác. Do đó, thực tế là đôi khi luật sư có thể rất rảnh rỗi, không có việc gì để làm cụ thể, nhưng đôi khi lại phải làm việc đêm khuya, bất kể ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hay giải trí. Lịch làm việc của luật sư cũng thường xuyên bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và thời gian dành cho gia đình của luật sư.

Khi chọn luật sư là nghề nghiệp của mình, bạn phải sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ, ví dụ như không thể giữ đúng lịch hẹn với bạn bè hoặc bỏ lỡ những dịp, sự kiện quan trọng của gia đình và người thân của bạn. Vì vậy, nếu quyết định chọn luật sư là nghề nghiệp của mình, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn nêu trên. Người bạn đời của bạn cũng cần thấu hiểu và thông cảm, sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình, để bạn có thể tập trung toàn tâm toàn ý vào nghề luật sư của mình.

 Áp lực công việc dẫn đến nhiều hệ lụy

Có lẽ bạn cho rằng sẽ nói quá khi có ai đó nói rằng áp lực công việc của luật sư có thể dẫn đến căng thẳng, trầm cảm, nghiện rượu, thuốc lá và thậm chí là ly hôn. Tuy nhiên, để trở thành một luật sư chuyên nghiệp, công việc chính của bạn là giúp đỡ khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý đau đầu của họ. Nói một cách khái quát, bạn là người phải chủ động đối mặt với nhiều phiền toái từ khách hàng, cũng như cố gắng tư vấn cho khách hàng hiểu rõ các quy định của pháp luật có liên quan cũng như hệ quả của chúng, đồng thời phải nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khả thi để không vi phạm quy định pháp luật cho khách hàng. Vì vậy, công việc của bạn sẽ không bao giờ dễ dàng và đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng đương đầu với áp lực và khó khăn mỗi ngày.

Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp mà khách hàng của bạn đối mặt và để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của họ, bạn phải theo đuổi những vấn đề này trong nhiều năm với nhiều thời gian và công sức bỏ ra. Ngoài ra, mặc dù bạn phải luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh và trái tim nóng trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, những vấn đề pháp lý của khách hàng không phải lúc nào cũng xoay quanh các vấn đề pháp lý, mà còn liên quan đến những vấn đề nhạy cảm khác, như đạo đức và đạo lý của con người mà bạn không thể lơ là.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều áp lực và căng thẳng khác mà bạn phải đối mặt, ví dụ như các cam kết hoàn thành các công việc gấp rút với khách hàng, áp lực phải đảm bảo đủ số giờ tính phí khách hàng theo yêu cầu của công ty luật, các yêu cầu quá đáng của khách hàng, các quy định của pháp luật thay đổi liên tục đòi hỏi bạn phải cập nhật thông tin liên tục, cũng như áp lực cạnh tranh với các đồng nghiệp trong công ty luật của bạn.

 Phải làm một số công việc pháp lý của khách hàng mà bạn không muốn

Khi làm luật sư, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho những tình huống khó xử khi bạn thực sự không muốn tham gia vào các vụ việc pháp lý của khách hàng, nhưng vẫn buộc phải thực hiện trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người luật sư.

Một ví dụ điển hình cho tình huống này là khi bạn phải đối đầu và tranh luận trực tiếp với một số bạn bè luật sư đồng nghiệp của bạn để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong các vụ kiện mà họ đại diện cho bên đối kháng. Trong tình huống này, với trách nhiệm của luật sư đối với khách hàng, bạn phải tìm mọi cách và khả năng mà pháp luật cho phép để chiến thắng vụ kiện đó hoặc ít nhất là giành được một số lợi thế nhất định cho khách hàng của bạn trong đàm phán giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra sự cố trong mối quan hệ giữa bạn và các bạn bè đồng nghiệp thân quen của bạn.

Một ví dụ khác khiến bạn không muốn tiếp nhận các vụ việc pháp lý của khách hàng là khi bạn phải đối mặt với khách hàng nào đó mà họ có cách nói chuyện thô lỗ, xem luật sư như tôi tớ phục vụ họ. Hoặc khi gặp các vụ việc pháp lý không đủ hứng thú ví dụ như hiếp dâm, giết người, trốn nợ, ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, v.v… Tuy nhiên, với trách nhiệm nghề nghiệp của người luật sư, bạn phải thực hiện công việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong những vụ việc đó cho dù tâm trí bạn không muốn và luôn cảm thấy thiếu nhiệt huyết hoặc thậm chí là muốn từ chối những công việc đó.

Không chỉ dừng lại ở đó, có một vài trường hợp khi khách hàng của bạn vi phạm pháp luật và bạn biết rõ điều này, bạn cũng không chịu quyết liệt khuyên ngăn khách hàng của bạn dừng lại các hành vi vi phạm đó hoặc bạn không chịu dừng cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ, hoặc vì bất kỳ lý do nào đó mà bạn vẫn tiếp tục hỗ trợ họ tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm này, điều này có thể dẫn đến rủi ro cho bạn khi bạn bị xem như là đồng phạm với khách hàng của bạn khi họ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xã hội thường đánh giá luật sư khắt khe hơn người bình thường

Ắt hẳn đã có lúc, khi nghĩ về nghề luật sư, hình ảnh luôn hiện ra trong tâm trí bạn là người oai phong, trang phục chỉnh tề cầm trên tay chiếc cặp da đầy ắp hồ sơ, tài liệu. Đi đứng với điệu bộ, cử chỉ và lời nói đầy vẻ trang trọng, nghiêm túc và mẫu mực. Đó là vị trí, vai trò và hình ảnh tiêu biểu mà cộng đồng, xã hội đã mặc định gán ghép cho luật sư, cho dù điều đó được cho là thiển cận. Trên thực tế, những yếu tố đó phần nào đóng một vai trò quan trọng đối với khách hàng khi họ đánh giá ban đầu về một luật sư nào đó mà họ muốn mời làm luật sư trong các vụ việc pháp lý của họ. Thực tế này xuất phát từ tính chất đặc thù của nghề luật sư, có liên quan đến quy định của pháp luật, sự đúng mực và tuân thủ pháp luật. Do đó, quan niệm và đánh giá của cộng đồng, xã hội về luật sư thường khắt khe hơn so với những người làm những ngành, nghề bình thường khác.

Vì vậy, nếu muốn trở thành luật sư, bạn cần phải có một số hạn chế và thận trọng nhất định trong những giao tiếp của mình trên các kênh truyền thông và mạng xã hội, ví dụ như LinkedIn, Facebook, Twitter. Văn phong mà bạn sử dụng trên các diễn đàn trực tuyến cũng cần có sự chừng mực nhất định, ý kiến cá nhân của bạn trên đó cần phải có cơ sở pháp lý và hình ảnh của bạn được đăng tải trên đó cũng không nên quá đời thường để không làm mất đi hình ảnh của bạn như một luật sư chuyên nghiệp, luôn chững chạc và nghiêm túc trong công việc.

Bên cạnh đó, khi giao lưu, ăn uống, vui chơi, giải trí với bạn bè, bạn cũng cần phải giữ gìn ý tứ, không được say xỉn hoặc nói năng bất lịch sự. Việc này giúp tránh tình trạng hình ảnh của bạn bị vô tình đưa lên mạng xã hội và gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của bạn trong mắt của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng của bạn. Bên cạnh đó, vì được xem là có kiến thức pháp luật sâu rộng, bạn cần tuân thủ một cách nghiêm chỉnh quy định của pháp luật. Nếu bạn vi phạm pháp luật, bạn sẽ phải chịu hậu quả pháp lý tương xứng theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, cộng đồng và xã hội cũng sẽ có cái nhìn cực đoan về bạn hơn so với những người làm các công việc bình thường khác trong những tình huống tương tự.

 Là đối tượng được báo chí, kênh truyền thông và mạng xã hội quan tâm, chăm sóc

Luật sư được xem là một nghề cao quý, do đó luôn được cộng đồng và xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, cộng đồng và xã hội cũng đòi hỏi một phẩm chất đạo đức cao đối với luật sư. Bất kỳ tin tức nào không phù hợp với chuẩn mực đạo đức hoặc khi luật sư tham gia vào một vụ việc pháp lý có tính chất thời sự nào đó, thì mọi thông tin về luật sư sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội, bạn thường bắt gặp những chủ đề nóng ví dụ như khách hàng than phiền về chất lượng dịch vụ pháp lý kém hoặc phí dịch vụ pháp lý quá cao của luật sư, luật sư bị khách hàng kiện ra tòa vì vi phạm thỏa thuận, luật sư vi phạm pháp luật, hay có quan hệ tình cảm không trong sáng với ai đó. Việc này khiến cho nghề luật sư được báo chí, các kênh truyền thông và mạng xã hội quan tâm đặc biệt. vì vậ, nếu chọn luật sư là nghề nghiệp của mình, bạn cần sẵn sàng chấp nhận một số hạn chế trong hoạt động đời thường, điều này có thể khiến cho quyền tự do cá nhân của bạn bị giới hạn.

 Lúc lên đỉnh cao, lúc xuống vực sâu

Nếu muốn trở thành một luật sư chuyên nghiệp, đặc biệt là luật sư tranh tụng tại tòa án hoặc trung tâm trọng tài, những điều được trình bày dưới đây là thực tế mà bạn không thể tránh khỏi. Đó là có lúc bạn sẽ ở đỉnh cao danh vọng khi đại diện cho khách hàng tham gia tranh tụng trong một vụ kiện tại tòa án hoặc trung tâm trọng tài và giành chiến thắng trọn vẹn cho họ. Ở thời điểm đó, bạn sẽ được khách hàng khen ngợi và được trả phí dịch vụ pháp lý hậu hĩnh theo thỏa thuận. Ngoài ra, bạn có thể còn được khách hàng thưởng thêm tiền và có cơ hội được khách hàng tin tưởng giao thêm các vụ việc pháp lý mới hoặc được khách hàng giới thiệu những khách hàng mới. Trong một số vụ án đình đám, bạn còn có thể được báo chí, kênh truyền thông và mạng xã hội săn đón phỏng vấn, viết bài và từ đó có thể đạt được tiền tài và danh vọng.

Tuy nhiên, như một lẽ tất yếu, không một luật sư nào có thể “đánh đâu thắng đó” trong suốt thời gian hành nghề mấy chục năm của mình. Việc thắng hay thua trong các vụ kiện nhiều khi không thể kiểm soát được bằng chính bản thân bạn vì nó còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, cả khách quan lẫn chủ quan trong thực tế. Khi đó, nếu khách hàng của bạn không thực sự thấu hiểu và thông cảm cho bạn, dù họ biết rõ rằng những bằng chứng mà họ cung cấp cho bạn thực sự quá yếu, bạn có cố gắng hết sức đi chăng nữa thì cũng không thể nào làm thay đổi được vị trí pháp lý yếu thế của họ trong vụ kiện, và bạn sẽ cảm thấy như bị rơi xuống vực sâu thẳm, phải lặng lẽ   ra khỏi phòng xử án trong sự hờ hững của khách hàng. Ở những tình huống xấu hơn, một số khách hàng thậm chí còn tìm cách tránh mặt và không chịu trả hết phí dịch vụ pháp lý đã thỏa thuận cho bạn, vì họ cho rằng bạn không phải là luật sư giỏi. Do đó, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần vững vàng để vực dậy sau mỗi lần bị khách hàng của mình đối xử như thế.

 Bị xã hội xem là nghề mưu sinh trên nỗi đau của người khác

Luật sư cũng giống như bác sĩ vì là nghề đòi hỏi chuyên môn cao, cho nên chúng ta hãy đề cập đôi chút về nghề bác sĩ. Khi bệnh nhân gặp bác sĩ để khám chữa bệnh, họ phải trả tiền cho bác sĩ các chi phí khám bệnh và mua thuốc điều trị. Điều này là lẽ đương nhiên, nhưng trên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng đủ điều kiện chi trả các khoản chi phí như vậy. Trong một số trường hợp, bệnh nhân gặp phải căn bệnh nan y chết người, nhưng họ lại đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm y tế, hoặc nếu có, thì bệnh của họ lại không nằm trong danh mục các loại bệnh được bảo hiểm chi trả. Trong những trường hợp như thế, chi phí khám chữa bệnh thực sự trở thành gánh nặng vô cùng lớn, xoáy sâu vào nỗi đau của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân phải bán nhà, cầm cố tài sản có giá trị, hoặc thậm chí là phải vay tiền bên ngoài để trả tiền cho bác sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh nhân vẫn sẵn sàng thực hiện điều đó, với mong muốn được bác sĩ nhanh chóng chữa khỏi bệnh để không còn phải chịu đau đớn về mặt thể xác. Do đó, cho dù chi phí khám chữa bệnh có cao đến đâu, bác sĩ vẫn luôn được bệnh nhân tôn trọng và xem như là “người cứu rỗi” của họ.Bottom of Form

Cách làm việc của luật sư cũng tương tự như bác sĩ. Khi khách hàng gặp phải một vấn đề pháp lý nào đó, họ sẽ nhờ luật sư khám bệnh và điều trị vấn đề pháp lý của họ. Điều này bao gồm việc tư vấn và bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong vụ việc pháp lý. Nếu vụ việc pháp lý có tính chất phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của luật sư, phí dịch vụ của luật sư cũng sẽ cao hơn so với mức phí bình thường để bù đắp cho những khoản chi phí đó. Tuy nhiên, điều này có thể tạo thêm gánh nặng cho khách hàng, đặc biệt là khi họ đang gặp khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng một số luật sư đã lợi dụng khó khăn pháp lý của khách hàng để tìm kiếm lợi ích cá nhân cho mình. Những hành động như thế sẽ gây thiệt hại cho khách hàng hơn nữa khi phí dịch vụ pháp lý được cho là không hợp lý với tính chất của vụ việc, hoặc khi khách hàng bị ép phải trả phí dịch vụ pháp lý dựa trên mức độ thành công của vụ việc. Những hành động này sẽ gây tổn thương cho khách hàng và vô hình trung làm cho cộng đồng, xã hội không hiểu rõ mục đích cao cả của nghề luật sư. Điều này dẫn đến những quan điểm không chính xác về nghề này trong cộng đồng, xã hội.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.