Sáp nhập, hợp nhất công ty luật gặp thuận lợi và khó khăn gì nhất?

Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.

…………….

Việc quyết định sáp nhập hoặc hợp nhất công ty luật có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, nhưng ở đây tạm thời sẽ không bàn đến những lý do có liên quan đến sự phù hợp về tính cách hay văn hóa. Tuy nhiên, việc sáp nhập hoặc hợp nhất thường mang lại cho công ty luật những lợi ích sau đây:

 Thuận lợi

  • Sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất, công ty luật sẽ thuận lợi gia tăng quy mô và năng lực hoạt động của mình trên cả chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể, công ty luật sẽ mở rộng hoạt động của mình địa lý bằng cách mở thêm các văn phòng hoạt động ở những địa phương trước đây không có sự hiện diện của công ty. Ngoài ra, công ty luật sẽ có thêm nguồn nhân lực và tiềm lực kinh tế để mở rộng các chi nhánh và văn phòng đại diện tại các địa phương khác trong và ngoài nước.
  • Công ty luật sẽ cũng có thêm chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực pháp luật mới sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất. Ví dụ, nếu công ty luật này chuyên về lĩnh vực ngân hàng và sở hữu trí tuệ trong khi công ty luật kia lại chuyên về lĩnh vực hình sự và dân sự thì sáp nhập hoặc hợp nhất sẽ giúp công ty luật có chuyên môn sâu ở tất cả các lĩnh vực pháp luật nói trên.
  • Sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất, công ty luật cũng sẽ có được tổng hợp các khách hàng của các công ty luật trước đó, tuy nhiên số lượng khách hàng của công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất có thể không đạt được số lượng cao nhất. Điều này do có thể xảy ra trường hợp các công ty luật có chung một số khách hàng, hoặc có sự xung đột lợi ích hoặc có trường hợp một số khách hàng chủ động chia tay vì không cảm thấy thoải mái về sự sáp nhập, hợp nhất của các công ty luật.
  • Số lượng nhân viên của công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất cũng sẽ tăng lên đáng kể do thu nhận hoặc thừa kế toàn bộ nguồn nhân lực của các công ty luật trước khi sáp nhập, hợp nhất.
  • Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới, tạo ra một công ty luật mới với sức mạnh và chuyên nghiệp hơn. Điều này có thể được đạt được thông qua các hoạt động chăm sóc khách hàng và phát triển kinh doanh đa dạng và phong phú;
  • Sự sáp nhập và hợp nhất các công ty luật có thể giảm áp lực cho công ty luật trong việc đối đầu với các công ty luật cạnh tranh và giảm khả năng bị thôn tính;
  • Mở rộng và tận dụng cơ hội để cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, bao gồm cả những lĩnh vực pháp luật mà công ty luật trước đây không có chuyên môn. Bằng cách này, công ty sẽ không bị từ chối bởi những khách hàng có nhu cầu pháp lý đặc biệt;
  • Sau khi sáp nhập và hợp nhất, công ty luật có thể bù đắp những khiếm khuyết của nhau về mặt chuyên môn và có thêm nhân sự chủ chốt có trình độ kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cao. Điều này sẽ giúp công ty luật tăng cường vị thế và danh tiếng của mình trên thị trường pháp lý, có thể được các tổ chức độc lập đánh giá và xếp hạng ở vị trí cao hơn trên thị trường;
  • Với sức mạnh tăng cường ở mọi khía cạnh, công ty luật có thể chiếm được nhiều ưu thế khi tham gia đấu thầu và thương lượng các công việc pháp lý của khách hàng lớn hơn, do đó phí dịch vụ pháp lý cũng có thể tăng lên;
  • Công ty luật sáp nhập và hợp nhất để tận dụng nguồn lực tài chính dồi dào và tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp. Việc tăng ngân sách giúp công ty chi trả lương thưởng và huấn luyện nhân viên để giữ chân nhân viên giỏi và thu hút nhân viên mới. Đồng thời, công ty cũng có thể thực hiện các hoạt động quảng bá doanh nghiệp, thiết kế văn phòng khang trang, ấm cúng, chuyên nghiệp hơn và mua sắm các trang thiết bị văn phòng chất lượng tốt hơn để phục vụ khách hàng;
  • Sáp nhập và hợp nhất cũng giúp cải thiện báo cáo tài chính của công ty luật và gia tăng thu nhập của các luật sư thành viên. Doanh thu của công ty được tăng lên doanh thu của các công ty luật gộp lại và do tận dụng các cơ hội cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở các lĩnh vực pháp luật mà các công ty luật trước đây không thể cung cấp.
  • Chi phí hoạt động chung của công ty luật cũng giảm xuống đáng kể so với chi phí của từng công ty luật riêng lẻ trước đây do giảm được chi phí tiền lương và phúc lợi do một số nhân viên phải nghỉ việc do tái cơ cấu công ty luật. Giảm chi phí thuê văn phòng do sử dụng chung các phòng họp, tiếp tân, phòng đựng hồ sơ khách hàng và các chi phí phát triển kinh doanh bị trùng lắp cũng được bỏ bớt;
  • Ngoài ra, sáp nhập, hợp nhất giúp công ty luật thoát khỏi bẫy phát triển trung bình mà phần lớn các công ty luật Việt Nam thường gặp phải. Công ty luật có thể giải quyết các vấn đề như nhân tài rời đi, khách hàng không ổn định, chi phí hoạt động tăng cao ngoài ý muốn để đạt được những bước phát triển ổn định, bền vững và mang tính đột phá so với các công ty luật khác.

 Khó khăn

Mặc dù sáp nhập và hợp nhất có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho các thành viên của công ty luật để phát triển doanh nghiệp, song nó cũng tiềm ẩn một số rủi ro và khó khăn không nhỏ. Việc sáp nhập và hợp nhất có thể không đạt được những kết quả mà các thành viên của công ty mong đợi và thậm chí có thể gây ra những rắc rối trong quá trình thực hiện. Vì vậy, trước khi quyết định sáp nhập hoặc hợp nhất, bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những khó khăn dưới đây:

  • Sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất, sự khác biệt về văn hóa của từng công ty luật có thể tạo ra sự chệch choạc, không đồng nhất trong hoạt động của công ty luật mới. Ví dụ, công ty luật A có phong cách làm việc theo kiểu gia đình, không hình thức, xuề xòa, đề cao tính kế thừa và mức độ thâm niên của luật sư, trong khi công ty luật B lại có phong cách làm việc chuyên nghiệp, dựa vào hiệu quả công việc là chính để đánh giá năng lực làm việc của nhân viên. Hoặc trường hợp công ty luật A chuyên thực hiện các công việc pháp lý cho khách hàng dựa trên cơ sở tính phí dịch vụ theo sự thành công của công việc pháp lý được giao trong khi công ty luật B lại làm việc theo cách tính phí dịch vụ pháp lý theo số giờ thực tế phát sinh của nhân viên thực hiện công việc. Những sự khác biệt này có thể tạo ra mâu thuẫn và không đồng nhất trong hoạt động của công ty luật mới. Nếu không có hướng xử lý phù hợp ngay từ đầu, sẽ dễ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ và nhân viên của những công ty luật trước đó sẽ hợp tác và làm việc với nhau không hiệu quả;
  • Điều này cũng có thể làm giảm sức mạnh của các vị trí lãnh đạo trong công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất do sự hiện diện của các nhóm luật sư thành viên với những lợi ích nhóm khác nhau. Các quyết định quản trị và phát triển kinh doanh sau khi sáp nhập, hợp nhất thường là sự thỏa hiệp giữa các nhóm lợi ích, trong một chừng mực nào đó, tình trạng này có thể làm chệch hướng hoặc làm chậm sự phát triển của công ty luật theo những định hướng, mục tiêu phát triển ban đầu;
  • Các quyết định quản trị trong công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất có nguy cơ bị trì trệ do bộ máy quản lý cồng kềnh. Khi có thêm nhiều người, thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, dẫn đến thời gian dành ra để thảo luận và đưa ra quyết định kéo dài. Do đó, các quyết định quản trị thường trì trệ, không bắt kịp những thay đổi của tình hình. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên và gián tiếp làm giảm năng suất làm việc của họ;
  • Một số luật sư thành viên trong các công ty luật trước khi sáp nhập, hợp nhất không đồng ý với việc sáp nhập, hợp nhất vì họ cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến vị trí và lợi ích của họ trong công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất. Thậm chí, họ còn đe dọa sẽ ra đi cùng với một số khách hàng, nhân viên và có thể là cả một lĩnh vực hành nghề pháp lý của công ty luật;
  • Có trường hợp, nhằm gia tăng vị thế cho công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất, các bên sáp nhập, hợp nhất lại đề cử vào hội đồng luật sư thành viên sau khi sáp nhập, hợp nhất một số luật sư thành viên hiện hữu của công ty luật của họ. Tuy nhiên, những cá nhân này có thể làm việc không hiệu quả, không tương xứng với vị trí của họ, không có năng lực chuyên môn và quản trị thực sự, dẫn đến tình trạng công ty luật sau khi sáp nhập, hợp nhất phải trả lương cao hơn cho nhân sự này mà lại không hưởng lợi được gì từ hiệu quả công việc mà họ mang lại;
  • Có thể do nhiều lí do khác nhau, một số khách hàng sẽ không thích việc sáp nhập hoặc hợp nhất các công ty luật. Lý do có thể là vì họ không thích một vài luật sư của công ty luật mới do trước đó những luật sư này đã đại diện cho các khách hàng khác trong việc giải quyết tranh chấp với họ. Ngoài ra, phí dịch vụ pháp lý của công ty luật mới sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất có thể tăng cao làm cho khách hàng không thể chịu nổi. Một số công ty luật cũng có thể phải từ bỏ một số khách hàng lớn do xung đột lợi ích sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất;
  • Sự chênh lệch về thu nhập giữa các luật sư thành viên trong công ty luật mới và các công ty luật trước đó có thể gây ra đố kỵ và không hài lòng giữa các nhóm luật sư thành viên, tạo ra căng thẳng trong nội bộ;
  • Ngoài ra, yêu cầu về số giờ làm việc hằng năm có tính phí khách hàng tối thiểu cho mỗi luật sư thành viên trong từng công ty luật có sự khác biệt quá lớn giữa các bên trước khi sáp nhập hoặc hợp nhất, và không thể giải quyết được sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất;
  • Thêm vào đó, cách tính thu nhập cho các luật sư thành viên trong từng công ty luật cũng có thể khác nhau quá nhiều, không thể thống nhất. Ví dụ, một công ty luật có thể trả thu nhập cho luật sư thành viên theo phương thức tính điểm, trong khi công ty luật khác lại chi trả thu nhập dựa trên thâm niên và tuổi tác của từng luật sư thành viên;
  • Một trong các công ty luật yêu cầu các luật sư thành viên mới phải góp vốn vào công ty, trong khi các công ty khác không có yêu cầu tương tự. Điều này có thể gây ra sự phiền toái và bất công cho các luật sư mới và làm giảm sự hấp dẫn của công ty luật đối với các ứng viên tiềm năng;
  • Việc đàm phán về sáp nhập và hợp nhất với công ty luật khác không được thông báo một cách đầy đủ và kịp thời cho các luật sư thành viên trong công ty luật này. Điều này dẫn đến sự thiếu thông tin và thời gian cần thiết để các luật sư cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này có thể gây ra một số rủi ro và mất cơ hội cho các luật sư thành viên; và
  • Tên của công ty luật sau khi sáp nhập và hợp nhất là sự trộn lẫn giữa các quyền lợi và lợi ích của các bên trong công ty luật. Tên mới không phản ánh được tầm nhìn và giá trị cốt lõi ban đầu của công ty luật. Điều này có thể gây ra sự khó hiểu và sự nhầm lẫn cho khách hàng và dẫn đến một sự mất mát quan trọng về sự nhận diện thương hiệu của công ty luật.

Vì vậy, để thành công trong quá trình sáp nhập, công ty luật cần phải xem xét và giải quyết các vấn đề này một cách cẩn thận và công bằng. Điều này sẽ đảm bảo rằng các luật sư thành viên và khách hàng đều có được thông tin đầy đủ và chính xác và sự phát triển của công ty luật sẽ tiếp tục được đảm bảo.

Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.