Chào mừng bạn đã quay trở lại với chuyên mục quản trị công ty luật của tôi sau khi bạn có thể đã đọc qua những chủ đề thú vị khác trong quyển sách Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư của tôi. Xin mời bạn tiếp tục tham khảo một chủ đề khác cũng rất thú vị của quyển sách này nhé.
Bước 3: Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu
Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chính là cách giúp tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu của công ty luật của bạn so với thương hiệu của các công ty luật khác. Thông thường, người ta sẽ chọn ra các yếu tố nổi bật, ví dụ như tên của thương hiệu, logo, khẩu hiệu, thông điệp, đặc tính của dịch vụ pháp lý, nhạc hiệu, v.v…, để làm tăng độ nhận diện công ty luật của bạn đối với khách hàng mục tiêu.
Về phần chi tiết của chủ đề này, bạn có thể tham khảo thêm Mục 9.3.1 của Chương 9 về cách thức xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho công ty luật.
Bước 4: Lập kế hoạch quảng bá thương hiệu
Sau khi trải qua ba bước lớn của việc xây dựng thương hiệu, đây chính là lúc bạn cần có kế hoạch quảng bá cho thương hiệu của công ty luật của bạn. Đây đích thực là bước quan trọng nhằm đưa hình ảnh thương hiệu của công ty luật của bạn đi vào tâm trí của khách hàng. Điều này xuất phát từ việc thương hiệu của công ty luật của bạn sẽ không thể nào thành công nếu không triển khai các hoạt động quảng bá cho nó. Kinh nghiệm cho thấy, quảng cáo và tiếp thị có tác động tích cực đến thương hiệu và các thành phần của nó. Vì vậy, để xây dựng và tạo dựng hình ảnh, niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu của công ty luật của bạn thì bạn phải có những chương trình quảng cáo, tiếp thị hiệu quả.
Ngày nay, để quảng bá thương hiệu đến khách hàng mục tiêu, các công ty luật nói chung thường sử dụng nhiều công cụ truyền thông khác nhau, trong đó phổ biến nhất vẫn là sử dụng các công cụ truyền thông được kết hợp với nhau, ví dụ như quảng cáo, khuyến mãi, quan hệ công chúng, tiếp thị trực tiếp. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thời đại kỹ thuật số, đặc biệt là mạng xã hội như hiện nay thì hoạt động tiếp thị của công ty luật của bạn cũng cần phải dịch chuyển dần từ phương thức tiếp thị truyền thống sang phương thức tiếp thị hiện đại, hay nói khác hơn là hoạt động tiếp thị của công ty luật của bạn sẽ dần dần sử dụng các công cụ truyền thông trực tuyến nhiều hơn các công cụ truyền thông ngoại tuyến. Hiển nhiên, một chiến dịch truyền thông sẽ không sử dụng chỉ có một công cụ truyền thông nào đó mà còn cần phải có sự kết hợp của nhiều công cụ truyền thông khác nhau và được triển khai trên nhiều kênh khác nhau, kể cả các kênh trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Để việc truyền thông, quảng bá thương hiệu hiệu quả, công ty luật của bạn cần chú ý xây dựng các hoạt động truyền thông tiếp thị dựa trên hành trình trải nghiệm thương hiệu của khách hàng. Trải nghiệm thương hiệu là nhân tố tạo nên sự đột phá cho công ty luật của bạn, giúp cho công ty luật của bạn tăng trưởng bền vững nhờ những khách hàng trung thành cũng như dễ dàng tiếp cận những thị trường mới. Trải nghiệm thương hiệu có thể được hiểu là phản ứng chủ quan, bên trong (cảm giác, cảm xúc, nhận thức) của khách hàng và phản ứng hành vi được hình thành từ các kích thích có liên quan đến thương hiệu, ví dụ như nhận diện thương hiệu, thiết kế, môi trường và truyền thông. Khách hàng sẽ trải nghiệm thương hiệu của công ty luật của bạn thông qua hành trình gồm 05 bước sau đây: (1) Nhận biết thương hiệu của công ty luật của bạn; (2) Chú ý đến thương hiệu của công ty luật của bạn; (3) Tìm hiểu về thương hiệu của công ty luật của bạn; (4) Sử dụng thương hiệu của công ty luật của bạn; và (5) Ủng hộ thương hiệu của công ty luật của bạn. Dựa vào mô hình này, công ty luật của bạn cần xây dựng một số hoạt động nào đó nhằm tạo cơ hội cho người tiêu dùng được tiếp xúc với thương hiệu của công ty luật của bạn một cách tích cực. Qua từng điểm chạm, giữa khách hàng và thương hiệu của công ty luật của bạn sẽ từng bước xây dựng được mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau, qua thời gian, dần dần thương hiệu của công ty luật của bạn sẽ chiếm lĩnh tâm trí của khách hàng và vào lúc đó thì mới có thể cho rằng công ty luật của bạn đã có thương hiệu của mình.
Bước 5: Đánh giá và đo lường sức khỏe của thương hiệu
Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài cần được công ty luật của bạn triển khai một cách nhất quán và linh hoạt. Trong quá trình triển khai, thị trường pháp lý cũng không phải đứng yên mà sẽ có nhiều thay đổi. Ví dụ, sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới nổi khác trong khi các đối thủ cạnh tranh cũ dần dần biến mất do các hoạt động sáp nhập, hợp nhất hay đối tượng khách hàng đã không còn gói gọn trong một khu vực địa lý nào đó mà đã mở rộng ra các nơi khác, xu hướng của nền kinh tế không còn là định hướng phát triển công nghiệp nặng và giờ đây bắt đầu tập trung vào công nghiệp nhẹ và dịch vụ kỹ thuật số, v.v…
Vì vậy, trong quá trình xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu cho công ty luật của bạn, bạn phải thường xuyên tự đánh giá lại thương hiệu của công ty luật của bạn, đo lường mức độ thành công của nó thông qua các kênh tương tác với khách hàng tiềm năng ví dụ như email, trò chuyện, góp ý trên diễn đàn trực tuyến hay trực tiếp đến website của công ty luật của bạn. Đặc biệt, bạn cần thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của công ty luật của mình bằng cách gửi cho khách hàng mẫu yêu cầu nhận xét, đánh giá chất lượng dịch vụ pháp lý sau khi hoàn thành công việc pháp lý của họ. Hãy cố gắng thu thập càng nhiều càng tốt các ý kiến phản hồi của khách hàng, đặc biệt là những phản hồi không hài lòng về chất lượng dịch vụ của công ty luật của bạn vì điều đó sẽ giúp cho bạn nhận thức một cách rõ nét hơn về thương hiệu của công ty luật của bạn để có những điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp nhất với tình hình và nhu cầu của khách hàng tại từng thời điểm.
Việc đánh giá hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu của công ty luật của bạn cần được thực hiện định kỳ chẳng hạn như 6 tháng hay mỗi năm một lần. Các tiêu chí thường được sử dụng để đánh giá và đo lường hiệu quả công tác xây dựng thương hiệu (còn gọi là đo lường sức khỏe thương hiệu) chính là mức độ nhận biết thương hiệu, mức độ liên tưởng đến thương hiệu, chất lượng cảm nhận, mức độ trung thành thương hiệu, doanh thu, thị phần, lợi nhuận, v.v…
Bài viết này của tôi được viết chủ yếu dựa vào những kiến thức pháp luật bao quát mà tôi đã được học ở trường đại học cũng như những kinh nghiệm hành nghề luật sư chuyên sâu của tôi trong gần 25 năm qua. Nếu bạn thấy rằng những thông tin chia sẻ của tôi ở trên là hữu ích cho việc theo đuổi đam mê với nghề luật sư của bạn, xin hãy ủng hộ tôi bằng một cú click chuột vào website này nhé www.phuoc-partner.com. Cám ơn bạn rất nhiều và chúc bạn thành công chinh phục nghề luật sư của mình. Xin chào bạn.